Thực tế, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2011 "Quy định về những điều Đảng viên không được làm". Ngày 29-11-2021, Ủy ban Kiểm tra BCH Trung ương đã có Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW hướng dẫn thực hiện Quy định về những điều Đảng viên không được làm, trong đó có vấn đề sử dụng không gian mạng của Đảng viên.
Theo Khoản 1 Điều I Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW, "Đảng viên không được phát ngôn, trả lời phỏng vấn, viết bài cho báo chí, trang thông tin điện tử (kể cả báo chí nước ngoài), sử dụng không gian mạng để đăng tải, bình luận, chia sẻ thông tin những nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước". Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 4 Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW quy định "Đảng viên không được tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc ủng hộ, bao che, tiếp tay, tổ chức, lôi kéo, xúi giục, ép buộc người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu trên không gian mạng, tờ rơi, đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài dưới mọi hình thức để truyền bá những thông tin, quan điểm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước".
Trong bất kỳ trường hợp nào, Đảng viên cũng không được sử dụng không gian mạng để đăng tải thông tin, tự ý bình luận, chia sẻ thông tin cũng như không được lưu trữ, tán phát trên mạng hoặc tiếp tay cho người khác tán phát thông tin, quan điểm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên không gian mạng. Mỗi cán bộ, Đảng viên phải luôn có sự nhìn nhận đúng bản chất của vụ việc, bảo đảm thông tin họ nhận được phải rõ ràng, không mập mờ, đúng với chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước thì mới được chia sẻ, đăng tải thông tin.
Theo Khoản 2 Điều 5 Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW, "Đảng viên không được sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát, chia sẻ trên mạng xã hội các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, bài viết, bài nói, bài phỏng vấn, hồi ký, tranh, phim, ảnh và các ấn phẩm không lành mạnh, không đúng sự thật dưới mọi hình thức". Ngoài ra, Khoản 1 Điều 6 Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW "Đảng viên không được tố cáo có nội dung mang tính bịa đặt làm mất, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, như: Tạo dựng sự việc không có thật hoặc xuyên tạc sự việc; tố cáo dưới dạng tờ rơi, sử dụng mạng xã hội để nói xấu, bình luận, đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật, lan truyền tin nhắn làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân".
Mỗi cán bộ, Đảng viên phải gương mẫu tiên phong trong việc đưa tin đúng sự thật, không xuyên tạc mục đích riêng. Vì khi tiếp cận được những không tin không đúng hoặc từ những luận điểm sai trái, người ta có thể bị chi phối và có xu hướng tin vào những quan niệm đó, từ đó chia sẻ những thông tin sai trái rộng rãi khiến người khác cũng bị tin tưởng vào điều đó. Những người hay cả tin sẽ dễ dàng tin vào quan niệm đó, dẫn đến việc họ chia sẽ rộng rãi quan điểm này, khiến càng ngày càng có nhiều người tin vào điều đó hơn. Một khi có nhiều người biết đến quan điểm đấy, hiệu ứng đám đông sẽ xảy ra, thúc đẩy sự lan rộng của quan điểm này, tạo nên một làn sóng tiêu cực trong xã hội.
Hiện nay việc công kích người khác, cổ vũ người khác trở thành một điều phổ biến trên mạng xã hội. Đối với giới trẻ, những dòng tin nhắn công kích nhau trên mạng xã hội dường như có thể bắt gặp trên mạng xã hội mỗi ngày. Lâu dần khi bắt gặp những điều đó, người ta có xu hướng cổ vũ hoặc lướt qua và coi đó như một điều bình thường. Điều này không chỉ tác động đến những người trẻ mà còn tác động đến những người già, trung niên là nhóm người không có kỹ năng dùng mạng xã hội, có ít kiến thức về công nghệ thông tin. Sự cả tin hơn những người trẻ khi không thường xuyên tiếp cận và được phổ biến tin tức thường xuyên. Việc nhóm người này chia sẻ những quan niệm mà giới trẻ ngày nay coi là cổ hủ không hợp thời đại nhiều khả năng sẽ dẫn đến trạng thái công kích, chỉ trích lẫn nhau trong môi trường mạng xã hội. Điều này còn có thể gián tiếp thúc đẩy những mặt xấu khác như phân biệt độ tuổi, vùng miền, giới tính…
Mạng xã hội cho phép người dùng đăng tải chia sẻ rất nhiều loại thông tin như hình ảnh, video, văn bản… điều đó đồng nghĩa với việc thông tin có trên mạng xã hội là vô cùng nhiều loại. Để lựa chọn thông tin một cách đúng đắn chúng ta cần có kỹ năng năm bắt thông tin đúng sai khác nhau, tránh trường hợp trích dẫn những thông tin sai lệch có thể gây ra sự hoang mang trong xã hội ví dụ như xem nguồn gốc của thông tin, tìm hiểu động cơ mục đích của người gửi thông tin và thái độ của người đăng tải. Nghĩ về hậu quả trước khi thực hiện bất cứ hành vi nào, không phải tất cả bài đăng hoặc thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội là vô hại, khi chúng ta chia sẻ thông tin trên mạng xã hội nó có thể đồng nghĩa với sự đồng tình với quan điểm đó, nó phản ánh thái độ của người chia sẻ và có thể ảnh hưởng đến một số người khác. Khi một người chia sẻ những thông tin sai lệch đến với bạn bè của mình trên mạng xã hội, điều đó đồng nghĩa với việc truyền đi những thông tin sai sự thật đến với người khác và có thể gây bất lợi cho người chia sẻ thông tin.
Không nên vội vàng tin tưởng những điều mình đọc được trên mạng: Trên mạng xã hội có vô số thông tin chỉ là sự gán ghép vô tội vạ, sai sự thật với mục đích đùa giỡn, cho mục đích giải trí hoặc có ác ý, việc tin tưởng vào những điều đó một cách nhanh chóng và chia sẻ điều đó với những người xung quanh sẽ gây ra những hệ lụy không đáng có không chỉ cho bản thân mà cho nhiều người khác.
Những gì chúng ta đăng tải hay chia sẻ trên mạng xã hội đều nên giữ một thái độ trung thực và khách quan, bảo đảm những thông tin ấy không gây hai đến người khác. Nếu có yếu tố gây hại cho người khác thì cân nhắc có nên đăng tải hay không. Những thông tin có thể gây bất lợi cho cơ quan tổ chức hoặc cá nhân cho dù đã được công khai thì cũng nên thận trọng khi đăng tải lại.
Trước khi đăng tải bất kỳ thông tin hoặc xác định yếu tố có lợi hay không thì bản thân phải kiểm chứng để biết độ chính xác của thông tin, không nên tùy tiện dễ dãi trong việc chia sẻ dẫn lại thông tin chưa kiểm định hoặc từ những nguồn có thể bị mạo danh. Với trình độ khoa học kỹ thuật hiện tại, việc ngụy tạo các thông tin như thật là khá dễ dàng nên trước khi chia sẻ thông tin cần kiểm chứng và không vội tin ngay những điều mình vừa đọc được.
Bên cạnh việc tuân thủ các quy định về bảo mật, một cán bộ hoặc Đảng viên cần phải có trách nhiệm khi đăng tải các thông tin hoặc hình ảnh có thể làm lộ tài liệu của tổ chức cơ quan. Bản thân người cán bộ, Đảng viên luôn chú ý đến các thông tin tài liệu liên quan đến công việc, đề phòng trường hợp thông tin lộ ra ngoài gây ảnh hưởng đến nhiều người khác
Trong môi trường mạng xã hội, các cán bộ, Đảng viên nên có trách nhiệm đăng tải chia sẻ lan tỏa thông tin tích cực đến người sử dụng mạng xã hội. Nếu chưa tác động đủ để người xem có hành động và suy nghĩ tích cực thì cũng nên xây dựng nhận thức và tình cảm tốt đẹp. Trách nhiệm của mỗi cán bộ, Đảng viên phải là thúc đẩy người sử dụng mạng xã hội và môi trường mạng ngày càng lành mạnh, tích cực hơn.