Theo phản ánh trên báo Thanh niên, hiện lãi suất cho vay lĩnh vực bất động tại nhiều ngân hàng đã được điều chỉnh tăng, kèm theo đó là quy định vay cũng bị siết lại.
Minh chứng điều này, báo này dẫn việc cho vay bất động sản tại ngân hàng BIDV làm ví dụ. Theo đó, tại một điểm giao dịch BIDV có trụ sở ở quận 3, TP.HCM, khi tư vấn về các thủ tục vay mua nhà có thế chấp, nhân viên tín dụng cho biết, lãi suất cho vay ưu đãi trong 12 tháng đầu vừa được điều chỉnh tăng lên mức 8,5%.
Thời điểm cuối năm 2017, BIDV áp dụng mức lãi suất cho vay 6 tháng đầu tiên là 7,1%/năm, còn 12 tháng đầu tiên là 7,6%/năm... Như vậy lãi suất vay hiện nay đã tăng từ 0,7 - 0,9%/năm.
Hiện tín dụng bất động sản của các ngân hàng trên địa bàn ước tính đến nay tăng nhẹ so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng 10,9%/tổng dư nợ tín dụng (cuối năm 2017 tỷ lệ là 10,8%). Lãi suất cho vay bất động sản hiện ở mức 9 - 12%/năm, cao hơn các lĩnh vực khác.
Lãi suất cho vay lĩnh vực bất động sản đã tăng, điều kiện vay cũng bị siết chặt hơn (ảnh minh hoạ)
Đối với những khách hàng mới, đương nhiên, họ phải cẩn trọng trước khi đặt bút ký những khoản vay nay. Còn đối với những người vay mua nhà trước đó, rất có thể họ phải đối diện với gánh nặng lãi suất nếu khi thời gian vay với lãi suất ưu đãi của họ đã hết và họ phải trả tiền vay ngân hàng với mức lãi suất theo thị trường.
Điều này đã được nhiều chuyên gia ngành ngân hàng và bất động sản cảnh báo trước đó.
PGS.TS Ngô Hướng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP.HCM từng đề cập đến rủi ro của người vay tiền mua nhà khi lãi suất biến động trên thị trường.
Theo đó, nếu trong hợp đồng, hai bên thống nhất giữ nguyên mức lãi suất cố định trong suốt thời gian vay thì chẳng có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu hợp đồng chỉ quy định mức lãi suất ưu đãi (khoảng 7%) trong thời gian đầu, sau đó là lãi suất theo thị trường, lúc ấy câu chuyện sẽ khác.
Ông cho biết, không có gì chắc chắn lãi suất sẽ giữ nguyên trong nhiều năm. Trong trường hợp lãi suất biến động theo chiều hướng tăng, mà thu nhập của người đi vay có biến động, bị suy giảm, không có tiền trả nợ thì người vay sẽ phải đối mặt với rủi ro là bị ngân hàng xiết nhà.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng khẳng định, trong mọi trường hợp, ngân hàng luôn nắm đằng chuôi. Khi cho vay, ngân hàng phải chắc chắn nắm được tài sản hay thế chấp khác của người vay, không bao giờ chịu rủi ro, thiệt thòi.
"Đối với khách hàng, nguy cơ rơi vào bẫy lãi suất là rất lớn, bởi lãi suất ưu đãi chỉ duy trì trong thời gian ngắn ban đầu, sau đó tăng lên, thậm chí nguy hiểm hơn là thả nổi. Khi lãi suất biến động chiều hướng tăng, thu nhập người vay giảm, không đủ khả năng trả nợ vay thì họ phải đối mặt với nguy cơ bị ngân hàng xiết nhà", vị chuyên gia nhận xét.