Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn của doanh nghiệp hàng không Việt Nam do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến phức tạp trên biển Đông, đồng thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ.
Báo cáo nêu rõ sau các vụ bạo động tại Bình Dương, Vũng Áng do phản ứng tiêu cực từ sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, hành khách từ Trung Quốc đến Việt Nam giảm mạnh. Chính quyền Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông đã khuyến cáo người dân hạn chế đến Việt Nam. Ở trong nước cũng xuất hiện tình trạng hủy tour du lịch đến Trung Quốc trong giai đoạn hè 2014.
Vietnam Airlines giảm hơn 2.880 tỉ đồng doanh thu sau sự kiện biển Đông
Những điều này đã tác động tiêu cực đến ngành hàng không trong nước. Trong đó, Vietnam Airlines chịu ảnh hưởng nặng nhất khi mất đến hơn 2.880 tỉ đồng doanh thu. Hệ số sử dụng ghế của Vietnam Airlines đã giảm một nửa so với các chuyến bay thông thường, các đối tác thuê chuyến cũng hủy hàng loạt chuyến bay trong giai đoạn hết lịch bay mùa hè. Từ giữa tháng 5 đến hết giữa tháng 6 đã có hơn 42.000 chỗ bị hủy, tương đương gần 170 chuyến, doanh số của hãng sụt giảm hơn 9 triệu USD.
Trước biến động này, Vietnam Airlines đã chủ động điều hành cắt giảm các chuyến bay đi/đến thị trường Trung Quốc từ giữa tháng 5, tăng tải trên các đường bay trong nước còn dư địa nhưng cũng chỉ bù đắp được một phần thiệt hại, kết quả kinh doanh vẫn suy giảm mạnh trong tháng 5 và 6, chuyển ngay từ lãi sang lỗ trong bảng hạch toán tài chính 6 tháng đầu năm.
Sở dĩ Vietnam Airlines bị ảnh hưởng lớn là do mạng đường bay Đông Bắc Á của hãng là mạng bay chủ lực. Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan hàng năm có mức tăng trưởng vận tải cao, chiếm khoảng một nửa doanh thu bay quốc tế của hãng. Vietnam Airlines đã phải hủy 13 đường bay đến 12 điểm tại Trung Quốc từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 10 và chỉ còn duy trì các đường bay đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu.
Cũng theo bản báo cáo, biến động chính trị ở Thái Lan và mới nhất là diễn biến phức tạp ở Ukraine cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines do hệ số khai thác ghế trên thị trường Thái Lan, Nhật Bản và Nga sụt giảm không chỉ trong nửa đầu năm mà dự kiến còn ảnh hưởng đến cuối năm nay.
Vietnam Airlines còn thiệt hại do Hãng hàng không Cambodia Angkor Air – liên doanh hàng không với Campuchia (Vietnam Airlines góp 49% vốn) cũng bị ảnh hưởng, phải rút ngắn hợp đồng thuê và trả sớm một máy bay cho Vietnam Airlines.
Tình hình của Jetstar Pacific - hãng hàng không giá rẻ trực thuộc Vietnam Airlines - cũng bị giảm doanh thu do phải giảm qui mô khai thác trên các đường bay đi Macau, Trung Quốc. Tương tự, hãng hàng không tư nhân VietJet Air cũng phải đóng đường bay Hà Nội, Thái Lan và ngừng khai thác các chuyến bay thuê chuyến từ Đà Nẵng đến một số tỉnh của Trung Quốc.
Từ những khó khăn này, bộ yêu cầu các hãng tiếp tục chủ động điều tiết mạng bay, tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động. Đối với Vietnam Airlines phải tiếp tục phát triển các đường bay xuyên lục địa để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Về phía Bộ đã thực hiện giảm 25% trên biểu phí dịch vụ điều hành bay đi/đến, giá cất hạ cánh tại các sân bay và giá soi chiếu an ninh hàng hóa, hành lý cho tất cả các hãng hàng không nội địa đến hết năm 2014 . Đồng thời, nghiên cứu chỉ đạo Tổng Công ty Cảng hàng không chưa tiến hành tăng giá thuê mặt bằng, các giá dịch vụ tại các sân bay đối với các hãng trong năm nay.
Tại báo cáo này, bộ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu Jet A1 cho máy bay năm 2014 từ 7% xuống còn 3% do chi phí nhiên liệu chiếm tỉ trọng gần 40% tổng chi phí của các hãng hàng không.
Ngoài ra, bộ còn kiến nghị nới lỏng chính sách nhập cảnh đối với một số thị trường hành khách quan trọng như Anh, Pháp, Đức, Australia và Ấn Độ.