Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và UBND 5 tỉnh Tây Nguyên phối hợp triển khai chương trình cho vay tái canh cây cà phê từ nay đến năm 2020.
Ân hạn trả nợ gốc và lãi 2 - 4 năm
Chương trình được triển khai trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai và Kon Tum) cho các phương thức: trồng tái canh, hoặc ghép cải tạo, trên cơ sở quy hoạch tái canh cà phê đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
Sau thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi, lãi suất cho vay tái canh cây cà phê sẽ do Ngân hàng Nhà nước công bố trên cơ sở lãi suất tiết kiệm VNĐ kỳ hạn 12 tháng của Agribank cộng biên độ 2,5%/năm - Ảnh: Cao Nguyên
Theo đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thực hiện cho vay tái canh cây cà phê. Nguồn vốn sẽ được NHNN hỗ trợ cho Agribank thông qua hình thức tái cấp vốn. Đối tượng được vay là các tổ chức, cá nhân có tên trong danh sách thực hiện tái canh cà phê.
Hạn mức cho vay cao nhất đối với phương pháp trồng tái canh cà phê là 150 triệu đồng/ha, thời hạn vay tối đa 8 năm, thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi trong 4 năm. Đối với phương pháp ghép cải tạo cà phê, hạn mức cho vay 80 triệu đồng/ha, thời hạn vay tối đa là 4 năm, thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 2 năm.
Điểm đặc biệt của chương trình cho vay tái canh cây là phê là lãi suất cho vay trong thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi không quá 7%/năm. Lãi suất cho vay sau thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi do NHNN công bố hằng năm trên cơ sở lãi suất lãi suất tiết kiệm VNĐ kỳ hạn 12 tháng của Agribank cộng biên độ 2,5%/năm.
120.000 ha cà phê cần tái canh
Hiện nay, 5 tỉnh Tây Nguyên có sản lượng cà phê chiếm khoảng 92% sản lượng của cả nước. Cà phê là cây trồng kinh tế chủ lực cho người dân ở Tây Nguyên. Năm 2014, cà phê xuất khẩu đạt 1,73 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu lên tới 3,62 tỉ USD
Tuy nhiên, cây cà phê già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp chiếm tỉ lệ khá cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết diện tích cà phê già cỗi cần phải tái canh ở khu vực Tây Nguyên khoảng 120.000 ha.
Việc tái canh vườn cà phê thời gian qua gặp khó khăn bởi nông dân không có thu nhập từ khi bắt đầu tái canh đến khi thu hoạch (4 – 5) năm đối với phương pháp trồng tái canh và 1 - 2 năm đối với phương pháp ghép cải tạo). Ngoài ra, do chi phí tái canh cà phê khá lớn nên nông vay tiền ngân hàng theo cơ chế lãi suất thông thường sẽ không gồng gánh nỗi chi phí vay vốn.
Do đó, NHNN phối hợp với các bộ, chính quyền 5 tỉnh Tây Nguyên thực hiện chính sách cho vay tái canh cây cà phê sẽ tạo điều kiện giúp cho cây cà phê phát triển bền vững, góp phần phải thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị.