Đà Lạt mất đẹp vì sự thực dụng và cẩu thả trong dịch vụ du lịch vào các dịp lễ tết, khi nhu cầu du khách tăng cao - điều này không mới, nhưng không lẽ cứ lặp đi lặp lại hoài?
Loay hoay mãi với một danh sách dài dằng dặc những địa chỉ khách sạn quen vẫn chưa tìm được phòng lưu trú cho gia đình trong chuyến nghỉ lễ ở Đà Lạt dịp 30-4 tới, tôi gọi đến những dịch vụ đặt phòng qua mạng, tất cả cũng đều trả lời là “full từ đầu tháng”, “tìm phòng Đà Lạt kỳ này khó lắm anh ơi”…
Qua một người bạn làm trong công ty lữ hành tại TP.HCM, tôi đặt được một phòng trong khách sạn 2 sao ở trên đường Ba Tháng Hai, với giá “hữu nghị” là 950.000 đồng, tức gấp đôi ngày thường (tôi cũng thăm dò qua những nhà nghỉ bình dân gần bến xe Đà Lạt, được biết một số chỗ còn phòng nhưng bán với giá “mềm trong dịp nghỉ lễ” là 600.000 đồng, cũng gấp đôi ngày thường)
Như vậy là may mắn lắm rồi. Nhiều người chọn Đà Lạt nghỉ lễ dịp này nói với tôi rằng, họ phải đặt phòng với giá gấp ba lần ngày thường, chỉ đơn giản là với lý do “giá của dịp lễ”. Cách đây ít hôm, báo Tuổi Trẻ cũng có bản tin nói rằng, dịch vụ lưu trú tại Đà Lạt kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới tăng gấp ba so với giá ngày thường.
Việc các dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm ở Đà Lạt “kéo máy chém” ra đường đón khách vào các dịp lễ tết xem ra là chuyện cũ rích. Chính quyền thành phố “mộng mơ, thân thiện, hiếu khách” này cũng đã có nhiều giải pháp kiểm soát, song đâu lại vào đó.
Về lưu trú, hỏi chủ các khách sạn, họ nói rằng các đại lý du lịch “ôm phòng” và tự đẩy giá, “dân Đà Lạt ăn thì ít mà mang tiếng thì nhiều”. Trong khi đó, hỏi những đại lý bán phòng qua mạng hay các công ty du lịch, thì lại được trả lời, thực ra việc “ôm phòng” là rất rủi ro - phải hợp đồng đặt phòng trước hàng quí, vài quí, hay cả năm trời, và khi nhắm trước nhu cầu ôm phòng vào các dịp nghỉ dài ngày có thể cao thì các chủ khách sạn lại càng hét giá trên trời. Hai bên đùn đẩy nguyên nhân cho nhau, thực chất là cùng nhau tạo ra một quy trình “máy chém”. Chỉ người yêu Đà Lạt “lãnh đủ”.
Và, về mặt nào đó, thương hiệu du lịch Đà Lạt cũng “lãnh đủ” khi du khách đến, bị “chém” tưng bừng và không còn ý định quay lại thành phố này lần sau.
Việc kinh doanh cơ sở lưu trú, ăn uống phục vụ du khách ở Đà Lạt phần lớn ở quy mô gia đình, việc tổ chức kiểm soát khung giá chung trước nhu cầu thị trường lớn xem ra khó khăn khi các hiệp hội chuyên môn không có chức phận và khi chính quyền nhà nước nhảy vào, dù với sứ mạng là bình ổn giá, thì cũng chỉ mang tính chất hô hào vận động chung chung, mọi thứ vẫn phó mặc cho sự “xô đẩy” của cung cách làm dịch vụ ăn xổi, bản năng, manh mún, tự tung tự tác.
Kết quả là, cùng với chuyện môi trường hài hòa tự nhiên, cảnh quan đặc thù đang dần dần mất mát theo thời gian, thì câu chuyện tính cách thực dụng trong kinh doanh của người Đà Lạt làm cho hình ảnh thành phố này mất đẹp trong mắt nhiều du khách. Có người nói rằng, đến Đà Lạt bây giờ, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết không còn tìm thấy sự thân thiện và bình yên – khi mà bạn bước vào quán ăn cho đến khách sạn đều có nguy cơ trở thành nạn nhân của sự “chặt chém” với những dịch vụ lôi thôi kém chuyên nghiệp, không tương xứng với giá cả, chỉ chuốc về sự bực bội không đáng.
Việc phục hồi hình ảnh Đà Lạt trong mắt du khách, trước hết là du khách trong nước (chưa bàn đến du khách quốc tế!), ngoài chuyện giữ gìn tài nguyên thiên nhiên trời ban còn sót lại, thì rất cần phục hưng tài nguyên nhân văn, đó là tính cách, văn hóa của người Đà Lạt thanh đạm, ôn hòa và tử tế qua cung cách làm dịch vụ văn minh, bài bản, chuyên nghiệp và biết tôn trọng khách hàng.
Ở góc độ địa phương, Đà Lạt có lẽ nên tính toán và có thể cần phải có một chiến lược phát triển hình ảnh của mình đi vào chiều sâu hơn, như Nha Trang hay Mũi Né đã làm được phần nào trong thời gian qua. Đừng để cứ đến mỗi dịp lễ tết, thành phố mộng mơ lại phơi bày hình ảnh… chẳng ai dám mơ!