Ngân hàng đầu tư toàn cầu Credit Suisse vừa có báo cáo đánh giá về ngành ngân hàng Việt Nam với nhận định giá cổ phiếu hiện vẫn còn rất rẻ so với khu vực khi xét về hiệu quả kinh doanh. Trong báo cáo, định chế tài chính hàng đầu này đã gọi tên 6 ngân hàng tiềm năng và nổi bật nhất trong ngành ngân hàng là Vietcombank, Techcombank, VPBank, MB, ACB và VIB.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Credit Suisse đưa VIB vào danh sách đánh giá sau giai đoạn ngân hàng này tăng trưởng mạnh mẽ, nổi bật trong toàn ngành về hiệu quả kinh doanh.
Tại báo cáo lần này, Credit Suisse đưa ra giá mục tiêu cho cổ phiếu VIB ở mức 70.000 đồng, tương đương upside tăng giá hơn 60%.
Luận điểm chính để Credit Suisse đưa ra mức định giá hấp dẫn trên đến từ nhận định tích cực về chiến lược ngân hàng bán lẻ đầy hiệu quả của VIB (đặc biệt là cho vay thế chấp và ôtô). Theo đó, chiến lược này giúp ngân hàng có được tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) ở mức cao, thu nhập phí tăng mạnh và ROE đạt 27%-30% liên tiếp trong 3 năm qua - mức cao nhất trong số các ngân hàng Việt Nam.
Theo Credit Suisse, VIB có tỉ trọng bán lẻ cao nhất ngành ngân hàng Việt Nam khi chiếm gần 90% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này. Do vậy, dù là ngân hàng có quy mô tài sản nhỏ nhất trong phạm vi nghiên cứu, VIB lại có dư nợ cho vay bán lẻ lớn hơn MB, Techcombank và chiếm thị phần số 1 về cho vay mua ôtô.
Với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và tập trung chủ yếu vào phân khúc giàu có và đại chúng, Credit Suisse dự báo ngân hàng có thể tiếp tục tăng trưởng dư nợ cho vay thêm 20% mỗi năm. Trên cơ sở đó, các chuyên gia phân tích kỳ vọng VIB sẽ có được tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong số các ngân hàng nghiên cứu, ở mức 29%/năm trong vòng 3 năm tới.
"Chúng tôi tin rằng VIB là ngân hàng thành công nhất trong chiến lược tăng tỉ trọng cho vay thế chấp và cho vay ôtô tại Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng ngân hàng này sẽ duy trì tỉ lệ ROE ở mức 27%-30% trong 3 năm tới’’ - báo cáo Credit Suisse viết.
Mặc dù dự phòng rủi ro của VIB thấp hơn so với các ngân hàng khác, nhưng Credit Suise cho rằng việc tập trung mạnh vào các khoản cho vay bán lẻ có bảo đảm, cùng với chính sách bảo lãnh phát hành thận trọng (LTV thấp) giúp ngân hàng hạn chế rủi ro tín dụng. Theo đó, tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng liên tục ở dưới mức trung bình của ngành trong 5 năm qua, phần lớn khoản vay (> 90%) có tài sản đảm bảo (chủ yếu là bất động sản nhà ở/ôtô) và tỉ lệ LTV thận trọng ở mức trung bình 43%.
Nhóm phân tích cũng dự báo hoạt động cho vay với lợi suất cao từ việc mở rộng bán lẻ sẽ giúp NIM của VIB tiếp tục mở rộng. Hơn nữa, ngân hàng cũng sẽ thu hút được nhiều tiền gửi không kỳ hạn hơn nữa từ chuyển đổi kỹ thuật số trong tương lai.
Trước Credit Suisse, nhiều tổ chức phân tích khác cũng đưa giá đánh giá tích cực đối với hoạt động kinh doanh của VIB cũng như triển vọng giá cổ phiếu đi kèm.
Trong báo cáo phân tích chiến lược tháng 3-2022, VIB được Công ty chứng khoán Mirae Asset đánh giá là 1 trong 3 cổ phiếu ngân hàng có triển vọng tích cực trong năm nay.
Nhóm phân tích Mirae Asset dự báo VIB có thể duy trì tốc độ tăng trưởng đầu ngành ngân hàng bất chấp ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh trong năm 2021. Ngân hàng này có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ với mức lợi nhuận gần 2.700 tỉ đồng trước thuế trong quý IV-2021 - mức cao nhất trong lịch sử một quý mà VIB đạt được - đã giúp ROE của VIB giữ 30% trong liên tiếp trong 2 năm 2020 và 2021.
Liên quan đến cổ phiếu VIB, tỉ lệ sở hữu nước ngoài của ngân hàng này hiện đã đạt mức tối đa cho phép 20,5%, đồng nghĩa hơn 318 triệu cổ phiếu VIB đang do khối ngoại nắm giữ.
VIB đã chốt ''room ngoại'' ở mức 20,5% trước khi lên thị trường UPCoM vào năm 2017 và liên tục duy trì giới hạn này suốt từ đó đến nay. Việc khóa ''room'' ngoại thấp hơn nhiều so với mức tối đa theo quy định (30%) khiến cơ hội để nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần của VIB là thấp hơn so với các ngân hàng khác.
Đặc biệt, cổ phiếu VIB càng trở thành ''hàng hiếm'' khi cổ đông chiến lược CommonwealthBank of Australia đã nắm giữ 20% vốn, số cổ phiếu còn lại mà các nhà đầu tư nước ngoài khác được phép sở hữu chỉ chưa đầy 7,8 triệu đơn vị.
Được biết, VIB sẽ là ngân hàng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên sớm nhất trong năm 2022. Ngân hàng dự kiến cuộc họp diễn ra ngày 16-3 với nhiều nội dung quan trọng.
Theo tài liệu họp đại hội, năm 2022, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt tới 10.500 tỉ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỉ đồng; 265.600 tỉ đồng và 280.600 tỉ đồng. Trong đó, mức tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
Đáng chú ý, VIB có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỉ đồng thông qua việc chia cổ phiếu thưởng tỉ lệ 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu. Đề xuất này xuất phát từ nhu cầu vốn của ngân hàng dành cho các dự án đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chính sách ESOP (chia cổ phiếu thưởng cho CBNV) nhằm phát triển và duy trì đội ngũ nhân sự chất lượng, phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, vận hành của ngân hàng.
Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, trong giai đoạn 5 năm chuyển đổi tiếp theo, VIB sẽ tiếp tục giữ vị thế ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam về chất lượng và quy mô. Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng kép lợi nhuận đạt tối thiểu 30%/năm, dự kiến lợi nhuận vượt mốc tỉ đô và vốn hóa tăng gấp 5 lần, lên trên 14 tỉ USD.