Tuy nhiên, sau một tháng sử dụng, Xuân quyết định cất kho cả bộ với lý do hết sức đơn giản, luôn căng thẳng khi sử dụng vì sợ lỡ tay làm bể.
Nồi thủy tinh nằm trong phân khúc nồi cao cấp và nhận được nhiều sự quan tâm của người nội trợ. Ảnh: TL
Nằm trong phân khúc nồi cao cấp và nhận được nhiều sự quan tâm của người nội trợ khi mới có mặt ở Việt Nam cách đây khoảng 15 năm, nồi thuỷ tinh hiện không còn là sản phẩm để “mơ ước” như trước nữa. Trên webtretho, có các thành viên khuyên không nên sử dụng. Trước hết là do nồi thuỷ tinh nặng, việc cầm nắm và cọ rửa nếu không khéo sẽ dễ bị bể vỡ, nồi thuỷ tinh nấu lâu sôi hơn các loại nồi kim loại và cuối cùng là không thể sử dụng cho bếp từ, một loại bếp đang ngày càng trở nên phổ thông. Tuy nhiên, nồi thuỷ tinh vẫn có ưu điểm là sạch trong, dễ chùi rửa, khi nấu xong có thể đặt nồi lên bàn ăn luôn, không sợ mất thẩm mỹ nên dù có “căng thẳng”, nồi thuỷ tinh cũng được nhiều chị em sắm một hai cái, dành cho vài dịp... điệu đà.
Cả chục loại nồi, chọn thứ nào?
Kim Thoa, phụ trách một gian hàng dụng cụ nhà bếp ở một trung tâm thương mại bổ sung, ngoài yếu tố thẩm mỹ, nồi thuỷ tinh được tin tưởng nhất trong việc không phơi nhiễm chất độc vào thức ăn. Nếu còn thừa thức ăn, có thể bỏ nồi vào tủ lạnh, hôm sau, có thể bỏ nồi thẳng vào lò vi ba để hâm nóng, không mất công sang chiết như các loại nồi kim loại khác. Thị trường nồi thuỷ tinh hiện quanh quẩn với thương hiệu Luminarc, Vision và Lock & Lock, giá nồi từ 700.000 đồng/cái trở lên tuỳ theo kích cỡ. Cùng tính chất như nồi thuỷ tinh, thị trường hiện có loại nồi sứ hoặc hàng nồi đất của Hàn Quốc, giá trên dưới 100.000 đồng/cái phù hợp cho những món kho truyền thống.
Với ưu điểm nhẹ, dẫn nhiệt tốt nên tiết kiệm năng lượng và giá ở tầm trung, nồi nhôm được nhiều người nội trợ ưa dùng. Tuy nhiên, nếu để thức ăn lưu trữ trong nồi lâu, nhất là thức ăn mặn, chua thì khả năng thôi nhiễm các chất gây hại lại cao. Phân khúc hàng cao cấp đã đánh ngay vào “gót chân Asin” (điểm yếu của Asin – thần thoại Hy Lạp) của thế hệ nồi nhôm cũ. Tùy theo công nghệ và cách dùng từ khác nhau của mỗi nhà sản xuất, người tiêu dùng có thể hoa mắt với nhiều tên gọi như nồi tráng men, nồi phủ sứ, phủ gốm, phủ ceramic, phủ vân đá, phủ men đá, phủ titan, nồi oxy hoá cứng… còn lớp lõi bên trong là nhôm, hợp kim nhôm, thép, gang, thép không gỉ… Hiểu giản đơn là nồi có hai phần, phần xương trong bằng kim loại, ở ngoài hoặc phủ ceramic hoặc hợp kim, cả hai phương pháp đều hạn chế độ mòn của kim loại, giảm trầy xước, giúp toả nhiệt đều, chịu nhiệt cao, sau đó, mặt tiếp xúc thức ăn có thể được phủ thêm một màng chất chống dính. Vấn đề là nhà sản xuất có sử dụng đúng các hoá chất chống dính không gây hại cho sức khoẻ con người hay không và tuổi thọ của lớp chống dính vừa phụ thuộc vào công nghệ sản xuất vừa phụ thuộc vào cách chùi rửa của người dùng. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, sợ nhôm ra teng hoặc thôi nhiễm chất độc cho thức ăn, người tiêu dùng, nếu không tỉnh táo, mua phải các loại nồi chảo không dính được sản xuất với lớp chống dính kém phẩm chất thì độc hại vẫn hoàn độc hại. Vậy là, nồi cao cấp vẫn có gót chân Asin của nó khi chưa giải quyết được bài toán thôi nhiễm chất chống dính vào thức ăn.
Hàng cao cấp có thực tốt?
Có lợi thế về màu sắc, hoa văn, nồi phủ ceramic đánh tan suy nghĩ nồi là phải đen (như hồi nấu củi) hoặc trắng, xám như nồi nhôm nấu gas. Nhiều người chọn mua một cái giá trên 1 triệu đồng để “nhí nhảnh” trong bếp vì nồi quá đẹp. Nồi phủ ceramic, đặc biệt các thương hiệu của Hàn Quốc, màu sắc rất tươi như cam, vàng chanh, xanh cốm, xanh cobal…, Kim Thoa nói thêm, nếu người tiêu dùng thoải mái tài chính hơn và thích “ăn chắc mặc bền”, thì bộ nồi bằng kim loại cao cấp được cất nhắc mua hơn vì vẻ ngoài vừa sang trọng vừa giữ được độ sáng bóng lâu. Do không thể “sinh thiết” sản phẩm để biết được chất lượng thực sự của kim loại nguyên liệu có đúng như nhà sản xuất công bố (hợp kim nhôm, nhôm nguyên chất, thép, gang hay inox 304, 18/10, 430…), người tiêu dùng hầu như phó thác vào thương hiệu để chọn sản phẩm. Hiện thị trường có trên 20 nhãn hiệu nồi nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước theo công nghệ nước ngoài như Fagor, Elmich, Fissler, Silit, Elo Gamma, Paula Deen, Genthainer, Bluehouse, Sunhouse, Happycook... Ngoài nồi thuỷ tinh không dùng được cho bếp từ, các dòng nồi cao cấp sau này được lưu ý sản xuất để sử dụng cho nhiều loại bếp khác nhau. Một số nồi inox được thiết kế ba lớp đáy, lớp ngoài cùng bằng inox để thu nhiệt, lớp kế bằng nhôm giúp toả nhiệt đều, lớp tiếp xúc thực phẩm có tính năng chống ăn mòn, vừa an toàn sức khoẻ vừa giữ nhiệt. Trên nguyên lý đó, có nhà sản xuất quảng cáo nồi mình đến năm lớp đáy.
Nhìn chung, ngoài ưu điểm giảm thiểu độc hại so với các thể hệ nồi cũ, nồi cao cấp phải cộng thêm nhiều ưu điểm khác như dễ dàng chùi rửa, vỏ ngoài ít bị trầy xước trong quá trình sử dụng, quai được bọc silicon để cách nhiệt, nắp kiếng để nhìn thấy thức ăn bên trong.
Bà Thuận 65 tuổi, mẹ chồng Hoài Xuân, sau khi đã sử dụng qua các loại nồi cao cấp mà con dâu mua về cộng với một lần “cho về lò” một cái nồi thuỷ tinh, chợt nhớ hồi xưa, nấu nồi gang bằng bếp củi sao mà thức ăn ngon quá nên chép miệng nói với con dâu, “thôi con mua nồi gang mà xài cho đỡ tốn tiền mà thức ăn lại ngon”. Bà đâu biết, nồi gang Staub của Pháp, dung tích 6,7 lít có giá khoảng 3,8 triệu đồng một cái!