Luôn chọn Phòng Dịch vụ Việc làm Báo Người Lao Động là nơi tìm kiếm thông tin nhân sự nhưng mới đây ông L.K.T - trưởng phòng nhân sự một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh nhựa (quận 4, TP HCM) - có vẻ rất ưu tư. Qua trao đổi mới biết ông đang tìm một nhân viên làm công tác nhân sự - tiền lương do cô nhân viên tên T. gắn bó cùng công ty suốt 4 năm vừa đùng đùng nghỉ việc vì giận giám đốc.
Ra đi vì lương không đủ sống
Phòng nhân sự của ông L.K.T có 4 nhân viên làm việc với nhau và trong suốt thời gian qua, phòng của ông không biến động nhân sự. Thế nhưng, việc cô T. bỏ việc giữa chừng khiến ông không khỏi bức xúc. Ông kể: “Vừa rồi giám đốc có gọi nhân viên ấy rầy la gì đó, thế là bạn ấy nghỉ việc mà không báo tôi tiếng nào. Tôi có gọi điện nhưng cô ấy không bắt máy, thậm chí đến nhà cũng không gặp được. Cô ấy là người làm việc khá tốt, luôn hoàn thành tốt công việc được giao nhưng chỉ có cái là tính cách nóng nảy, bốc đồng”.
Còn anh N.Q.L - Giám đốc Công ty TNHH TM DV T.T.C (quận 3, TP HCM) - lại rơi vào tình cảnh mất nhân lực mà những người sắp nghỉ trước đây là sinh viên mới ra trường hoặc có kinh nghiệm 1 năm. Sau một thời gian đào tạo làm việc thì hiện nay chuyên môn của họ đã rất vững vàng. Thế nhưng mới đây, tính từ khi vào làm là khoảng 4 năm, các nhân viên báo là sẽ nghỉ việc với lý do: mức lương hiện tại không đủ sống. Anh L. đã họp bàn cùng phòng kế toán cân nhắc khả năng công ty và họp đề nghị tăng lương nhưng họ vẫn nhất quyết nghỉ việc. “Tôi đã cân nhắc rất kỹ, tôi cũng không muốn mất đi những nhân sự mà mình đã dốc tâm huyết đào tạo nhưng khả năng tài chính công ty chỉ trả được cho các bạn ấy mức lương đó nên đành mất nhân lực. Tôi thật sự không hiểu với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng mà các bạn ấy cho là không đủ sống” - anh Lâm cho biết.
Khi tuyển chọn nhân sự, các nhà tuyển dụng luôn đánh giá ứng viên qua kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc
Ôm tiền bỏ trốn
Ngày nay, hầu hết bộ phận tuyển dụng của các công ty đang chuyển dần sang hình thức tuyển dụng trực tuyến. Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp lại chọn hình thức truyền thống, nhận hồ sơ trực tiếp và quy định đơn xin việc phải viết tay, dán ảnh chụp trong thời hạn 6 tháng. Bạn có biết lý do không? Ngoài yếu tố phục vụ công việc thì nhà tuyển dụng có thể biết tính cách, con người của bạn qua 2 yếu tố này. Tuy nhiên, dù đã rất chi li trong công tác tuyển dụng nhưng Công ty TNHH TM-DV-SX H.M (quận 10, TP HCM) vẫn một phen hú vía vì vừa tuyển dụng được 1 tháng thì nhân viên kinh doanh lẳng lặng giữ riêng 62 triệu đồng tiền của khách hàng và nghỉ việc.
Chị N.T.V.A kể: “Anh B.H.T được giao quản lý gian hàng tại hội chợ hàng tiêu dùng, khách hàng trả tiền nhưng anh ấy lại cho thông tin tài khoản cá nhân và giữ luôn không trả lại cho công ty. Cũng may là đã nhờ cơ quan chức năng vào cuộc nên anh T. đã lên công ty và hứa trả lại tiền. Tôi làm nhân sự trước giờ, đây là trường hợp hy hữu lần đầu gặp phải”.
Chị N.T.L - Giám đốc Công ty T.H (quận 1, TP HCM) - từng vật vã trong việc tìm kiếm một kế toán trưởng thay thế vì phải bấm bụng cho cô nhân viên gắn bó cùng mình hơn 10 năm nghỉ việc với lý do: đố kỵ với nhân viên khác vì không được sếp quan tâm như trước. Chị L. cảm nhận được sự thay đổi của cô nhân viên khi mỗi lần chị khen những nhân viên khác thì cô ấy buồn ra mặt nhưng chị không để tâm lắm vì chỉ nghĩ đó là cảm giác ghen tị bình thường. Nhưng sự việc đạt đến đỉnh điểm trong một dịp tổ chức tiệc tại công ty, chị L. khen thưởng và tặng quà chúc mừng cho một bạn nhân viên mới do hoàn thành xuất sắc công việc - một món quà giá trị chị mang về trong chuyến đi công tác nước ngoài. Thế là cô nhân viên ứa nước mắt, giận dỗi, bỏ ra về. Vài ngày sau, cô ấy nộp đơn xin nghỉ việc. “Trò chuyện với nhân viên mới biết: Nếu tôi khen người nào thì coi như người đó sống dở, cô ấy vặn vẹo đủ điều nhưng không ai dám nói với tôi. Lỗi cũng do tôi trước giờ quá ưu ái cô ấy. Cuối cùng, tôi vẫn chấp nhận để cô ấy nghỉ việc vì tôi còn một tập thể nhân sự hết lòng với mình. Lo nhất là chuyện bàn giao vì hơn 10 năm nay sổ sách công ty đều do cô ấy quản lý” - chị L. than thở.
Chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp Theo các chuyên gia tư vấn nhân sự, đối với những doanh nghiệp không bảo đảm quyền lợi thì người lao động tìm kiếm một công việc phù hợp mới là điều tất yếu. Tuy nhiên, nếu họ bảo đảm quyền lợi cho người lao động thì đừng vì lợi ích cá nhân hay cái tôi quá lớn mà nghỉ việc một cách vô cớ. Với bất kỳ tình huống nào, hãy thử ngồi lại với doanh nghiệp, chia sẻ cùng họ những khó khăn đang gặp phải - biết đâu sẽ tìm ra những giải pháp phù hợp và không ảnh hưởng đến quyền lợi cho cả hai bên. |
Bài và ảnh: Đoan Thùy