Chiều cuối năm, những ánh nắng cuối cùng của ngày rót xuống làng Vai Trang (xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, Kon Tum) toát lên vẻ yên bình, tĩnh lặng của ngôi làng nằm trên đỉnh dãy Trường Sơn. Dọc đường, lác đác vài người phụ nữ đang chở những bó lau vừa hái trên rừng. Họ đi nhanh để kịp về chuẩn bị bữa ăn tối.
Nhìn không khí yên bình của ngôi làng sát biên giới ấy, chẳng mấy ai biết rằng nơi đây đang cất giấu những câu chuyện tâm linh kỳ bí về một khu rừng mà cộng đồng địa phương ở đây gọi là "rừng ma" với tập tục thiên táng cổ xưa huyền bí.
"Rừng ma" làng Vai Trang
Hỏi thăm người dân địa phương, chúng tôi tìm về nhà già làng Vai Trang là ông A Jáp. Già làng A Jáp năm nay 100 tuổi, nhưng trông ông vẫn còn minh mẫn, tỉnh táo. Ông sừng sững như chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bao thế hệ người làng Vai Trang.
Khi hỏi ông về khu "rừng ma" và tập tục thiên táng, biểu cảm trên gương mặt của ông liền thay đổi, thoáng vẻ suy tư về một quá khứ xa xôi.
Già làng A Jáp kể về tập tục thiên táng của dân tộc mình.
Hỏi ra mới biết "rừng ma" bí ẩn chính là khu nghĩa địa mới của người đồng bào Giẻ Triêng ở làng Vai Trang. Những người làng Vai Trang ngày xưa khi mất "treo" ở một nghĩa địa khác cách đó hơn 10 km trong địa phận nước Lào. Lúc này, ông A Nha (52 tuổi), con rể già làng A Jáp mới cất lời nói: "Nó già rồi, không còn nhớ nhiều nữa đâu, nhưng có người nhắc về khu rừng ấy là nó lại như thế".
Chiến tranh kết thúc, biên giới phân chia rõ ràng, họ không thể "treo" người thân của mình ở đất nước khác nên đã tìm 1 vùng đất mới gần đó để tiếp nối tập tục lâu đời.
Chính già làng A Jáp là một trong những người chỉ định vùng nghĩa địa mới của làng Vai Trang ngày nay, vì theo ông, khu rừng ấy là nơi phù hợp nhất để người chết có thể nhìn về những người thân của mình đang sống trong làng. Nơi đó được thần linh chứng giám và bảo vệ. Từ đó đến nay, khu rừng trở thành "lãnh địa cấm" của làng Vai Trang.
Những cỗ quan tài "treo" cuối cùng tại khu nghĩa địa làng Vai Trang.
Theo quan niệm của người làng Vai Trang thì đây là vùng bất khả xâm phạm, nơi chỉ dành riêng cho thế giới người chết. Những người còn sống nếu không có việc gì thì không được lại gần. Tín ngưỡng của cộng đồng Giẻ Triêng cho rằng người trần đặt chân tới sẽ bị trừng phạt, thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng.
Khi chúng tôi đặt vấn đề nhờ ông A Nha dẫn vào "rừng ma", ông tỏ ra sợ hãi nói: "Không đâu, vào đấy bị ma bắt đấy. Nó (chỉ già làng A Jáp - PV) dẫn người ta vào đấy nên mới bị bệnh đấy". Nói rồi ông A Nha bỏ đi ra ngoài.
Chạm mặt quan tài "treo"
Không nhờ được ai dẫn đường, chúng tôi đành tự đi vào "rừng ma" theo hướng chỉ tay của một người phụ nữ gặp ở đầu làng. Khu rừng nằm cách làng hơn 1km ở hướng mặt trời lặn, tĩnh mịch, âm u đến lạ thường.
Ngoài bìa rừng, ngay sát đường đi là những ngôi mộ mới được xây bằng gạch đá, xi măng theo phong cách hiện đại, nhưng vẫn giữ lại nhiều nét đặc trưng của tín ngưỡng người Giẻ Triêng.
Đã từ lâu không có người chết được mang vào đây, tuy nhiên từ ngoài bìa rừng chúng tôi đã cảm nhận được mùi ngai ngái khó chịu, lành lạnh đầy màu sắc liêu trai. Dù là buổi trưa, nhưng trong khu rừng sâu yên tĩnh với những cơn gió thoảng nhẹ cũng mang cho người ta cảm giác bất an, lo sợ.
Vì là lãnh địa cấm kỵ nên khu rừng hiện vẫn giữ được phần nào sự hoang sơ vốn có từ cổ xưa với những cây cổ thụ to lớn, những cây nứa, lồ ô, dây dại phủ đầy.
Đặc biệt, khu rừng là nơi từng "treo" nhiều quan tài nên có những thi hài người đã khuất bị chôn vùi hoặc di dời còn lại vết tích, khiến chúng tôi phải cẩn thận để tránh xâm hại đến những vị trí ấy.
Dấu tích còn sót lại của những cỗ quan tài đã được đưa đi chôn cất.
Đi sâu vào khoảng vài chục mét thì những chiếc quan tài "treo" dần dần lộ ra trước mặt chúng tôi. Cái thì nằm lẻ loi, chúc xuống đất vì cọc treo đã mục gãy. Có chỗ thì hai chiếc quan tài từng được đặt song song cạnh nhau nhưng một cái đã bị rớt xuống đất. Gần đó là những chiếc bình đầy nét hoa văn, dấu tích còn sót lại của những chiếc quan tài đã di dời.
Các quan tài này được làm bằng nhôm thay vì là gỗ như trước đây.
Quan sát mới thấy những chiếc quan tài này được làm bằng thiếc hoặc tôn. Thời nguyên thủy, quan tài của người Giẻ Triêng thật ra được làm bằng các loại gỗ quý như dổi, lim, … Nhưng theo thời gian, diện tích rừng bị thu hẹp cùng với việc bị cấm khai thác nên họ dần thay thế bằng những nguyên liệu hiện đại hơn.
Hiện nay, trong khu rừng vẫn còn lại một số quan tài còn ở trên mặt đất, vì lý do gì đó không di dời hay mai táng xuống đất, trong đó 2 chiếc quan tài được đặt song song là của vợ chồng ông A B’rót. Họ cũng là những người cuối cùng được "thiên táng" theo tục lệ của dân tộc mình.