Tin nhắn rác gửi tới thuê bao của khách hàng. (Ảnh: Vietnam+)
Dùng mác “Ngọc Trinh” để lừa đảo
Phản ánh với phóng viên Vietnam+, khách hàng Nguyễn Khánh An (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, chị nhận được tin nhắn từ số điện thoại 01202163093 với nội dung: “Em Linh, điện thoại em hết pin, gọi lại cho em vào số vp [văn phòng-pv] này nhé: 19002220, em có việc cần gấp!”
Bốc máy gọi lại đầu số trên, chị Khánh An nghe được đoạn nhạc nền không lời, sau đó tổng đài tự động trả lời: “Hiện tại các điện thoại viên đều bận, xin quý khách vui lòng gọi lại sau.”
Sáng 14-3, phóng viên Vietnam+ gọi thử vào đầu số nói trên một số lần và cũng chỉ nhận được câu trả lời tương tự.
Một báo cáo của Thanh tra bộ Thông tin và Truyền thông mới đây cho thấy, trong năm 2013 đã thanh tra 41 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung đã phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, phát hiện sai phạm và xử phạt với số tiền trên 3,8 tỷ đồng, thu hồi 22 đầu số.
Các doanh nghiệp này đã phát tán các tin nhắn rác có nội dung lừa đảo như: “Em Ngọc Trinh gửi anh clip để thay lời của em. Hãy gọi (miễn phí) 19001984 nghe anh nhé! Em hy vọng sau khi nghe clip anh thay đổi cách ứng xử với em,” “M thầm yêu cậu từ lâu rồi nhưng ngại gọi điện trực tiếp quá, gửi lời yêu cầu qua 19001983 cùng bài 'Người tôi yêu.' Gọi lên tổng đài để biết tớ là ai nhé, hhihi.”
Ngoài việc phát tán tin nhắn rác lừa đảo, một số doanh nghiệp còn lừa người dùng sử dụng phần mềm, trò chơi có nội dung sex, dâm ô đồi trụy về điện thoại, khi sử dụng hoặc kích hoạt, phần mềm này tự động nhắn tin đến các đầu số và trừ tiền trong tài khoản.
Quản đầu số, rạch ròi tài khoản
Đã có nhiều phương án được đưa ra để quản chặt tình trạng phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Tuy nhiên trên thực tế, có vẻ như mọi chuyện chỉ “nằm im” khi cơ quan chức năng mạnh tay và bùng phát trở lại khi việc kiểm tra tạm lắng. Bên cạnh đó, việc bùng nổ công nghệ với các ứng dụng OTT cũng khiến cơ quan quản lý đau đầu khi các kẻ gian lợi dụng những ứng dụng như Viber liên tục phát tán tin nhắn rác.
Con số được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra cho thấy, chỉ trong dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, các đơn vị chức năng đã phát hiện được hơn 4,2 triệu tin nhắn rác, các mạng di động đã phát hiện và chặn hơn 11.250 thuê bao, xử lý 25 doanh nghiệp đối tác vì đã phát tán tin nhắn rác.
Một thực tế cho thấy, việc thanh toán qua tài khoản chính của thuê bao di động quá dễ khi không cần tới mật khẩu xác nhận như thanh toán qua ngân hàng. Chỉ cần người dùng nhầm lẫn trong việc ấn bàn phím hay gửi một tin nhắn đến đầu số hoặc click vào chức năng của các phần mềm, game trên điện thoại là đã bị mất tiền.
Trong nhiều trường hợp, khách hàng không hay biết là mình đã bị trừ tiền và đây là “cơ sở” để cho những kẻ lừa đảo tiếp tục bất chấp pháp luật để thu lợi nhuận bất chính.
Trước tình trạng này, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính (VNCERT) đã kiến nghị đến chuyện ban hành thông tư quy định tài khoản chính (tài khoản 1) và tài khoản phụ (tài khoản 2).
Cụ thể, tài khoản 1 của điện thoại di động chỉ được dùng để thực hiện cuộc gọi, nhắn tin thông thường. Doanh nghiệp di động và các CSP (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung và có đầu số) phải phát hành loại thẻ nạp riêng để nạp vào tài khoản 2 chỉ dùng cho việc sử dụng dịch vụ nhắn tin giải trí. Tiền từ tài khoản 2 có thể chuyển sang tài khoản 1 nhưng không được chuyển theo chiều ngược lại.
Hiện nay, việc cấp đầu số tồn tại khá nhiều bất cập. Các doanh nghiệp viễn thông được phép cấp đầu số cho các CSP, song nhiều CSP lại cho các CP (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung không có đầu số) thuê lại khiến việc kiểm soát không được chặt chẽ.
Thanh tra, VNCERT cũng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm ban hành thông tư quy hoạch đầu số, quy định Bộ Thông tin và Truyền thông mới được cấp đầu số cho các CSP để có thể xử lý kịp thời khi đầu số phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.