Mặc dù được sự háo hức mong chờ của giới mộ điệu Android, bản 4.4 Kitkat không hẳn là một thay đổi lớn đến với người dùng. Ngoài một số tinh chỉnh về giao diện, các thay đổi chủ yếu lại nằm bên dưới và có ý nghĩa nhiều hơn cho các nhà phát triển phần mềm và phần cứng hơn là người dùng. Trong khi đó, Nexus 5 có lẽ đến lúc này đã đạt đến danh hiệu “mẫu sản phẩm bị lộ nhiều nhất trước khi ra mắt”, vì vậy cả thiết kế lẫn cấu hình của smartphone này không mang đến nhiều ngạc nhiên.
Vì sao Nexus 5 hấp dẫn?
Sau khi xuất hiện trên cửa hàng Google Play Store (Mỹ), Nexus 5 liền bị “cháy hàng” chỉ sau 33 phút mở cửa. |
Dòng smartphone Nexus của Google luôn được xem là mẫu sản phẩm lý tưởng nhất để có thể trải nghiệm Android - ít ra là đối với giới hâm mộ Android. Smartphone này thường được sản xuất bởi một hãng công nghệ khác, dành riêng cho Google, với mục đích tạo ra một sản phẩm phần cứng tiêu chuẩn, cho phép các nhà phát triển phần mềm dựa theo. Chính vì thế, dòng Nexus vận hành Android stock (nguyên gốc Android) không hề có một phần mềm hay dịch vụ nào khác của nhà sản xuất đi kèm và hoàn toàn unlock để có thể hoạt động trên tất cả các nhà mạng. Google cũng không kinh doanh sản phẩm này nên giá bán rất thấp, dù cấu hình thường là cao nhất trên thị trường.
Nexus 5 vẫn theo truyền thống, được bán ra thông qua trang web Google Play Store. Giá khởi điểm của mẫu 16 GB là 349 USD, mẫu 32 GB là 399 USD. Sẽ có 2 màu cho người dùng lựa chọn là trắng và đen, cùng với 2 phụ kiện là 1 vỏ bao lưng và 1 vỏ bao có nắp đậy màn hình. Ngoài ra, Google cũng công bố họ sẽ tung ra một bệ sạc không dây dành cho Nexus 5 và tablet Nexus 7.
Android Kitkat
Trọng tâm đáng chú ý hơn cả là Android 4.4 Kitkat, bởi bản nâng cấp này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghệ di động Android. Phiên bản lần này Google đã đem lại nhiều cải tiến cho giao diện người dùng nhưng không có nhiều tính năng hay thay đổi dễ nhận thấy. Tuy nhiên, cũng đừng lầm tưởng, Android 4.4 tập hợp một lượng lớn các nâng cấp quan trọng, nhất là để bảo đảm cho tương lai phát triển của hệ điều hành này.
Về giao diện, Android 4.4 sẽ mang lại nhiều cải thiện giúp việc sử dụng dễ chịu hơn. Phần thanh menu bar chứa các nút Home, Back và Multitask sẽ được chuyển sang màu trong suốt, với khả năng ẩn đi khi sử dụng các trình duyệt cần diện tích màn hình. Google cũng đã quyết định thống nhất 2 tiện ích nhắn tin (Message) và chat xã hội (Hangouts) thành một, với tên gọi chung Hangouts. Người dùng sẽ có thể sử dụng chat với tài khoản Google và nhắn tin SMS, MMS cùng một chỗ. Phần được nâng cấp đáng kể nhất là khả năng tích hợp hỗ trợ giọng nói qua Google Now - dịch vụ trợ lý thông minh của Google. Trước đó, khả năng kích hoạt Google Now chỉ bằng giọng nói đã xuất hiện trên mẫu Motorola X, nay tính năng này được tích hợp hẳn vào Android 4.4. Nay bạn sẽ có thể nói “Ok, Google” để mở dịch vụ Google Now, nơi bạn có thể ra lệnh tìm kiếm, vận hành tiện ích, mở nhạc… mà không cần phải thao tác màn hình. Tuy nhiên, tiện ích Google Now vẫn chỉ phục vụ chủ yếu là tiếng Anh chứ không có tiếng Việt.
Nhiều tính năng nhỏ cũng được cải thiện, bao gồm việc tách hoàn toàn giao diện màn hình chủ của Android thành một Launcher riêng, với tên gọi Google Experience, để dễ cài đặt. Google cũng bao gồm nhiều cải thiện mới như trong hệ thống nhận diện cuộc gọi, khả năng in thông qua công nghệ điện toán đám mây, hỗ trợ IR blaster, đếm bước đi... Điều cần chú ý nhất là Android 4.4 sẽ có thể hỗ trợ cho các thiết bị có cấu hình cực thấp. Chính xác hơn, Android 4.4 Kitkat có thể vận hành trên các thiết bị di động chỉ có 512 MB RAM. Các thay đổi này thường nằm ở phần hệ thống công cụ phát triển phần mềm bên dưới.
Việc Android 4.4 có thể vận hành trên cấu hình thấp quan trọng là vì Android nổi tiếng với vấn nạn phân mảnh. Do tính chất tự do của nó, Android đã có mặt trên một số lượng lớn các thiết bị khác nhau, được sản xuất và kiểm soát bởi rất nhiều nhà sản xuất, nhà mạng. Với động thái này, Google mong rằng họ sẽ giúp làm quá trình nâng cấp lên phiên bản Android mới nhất trên mọi thiết bị trở nên dễ dàng hơn, từ đó có thể dễ dàng kiểm soát chất lượng và an ninh trên nền Android tốt hơn. Một lý do khác là Google muốn Android có thể là lựa chọn tốt hơn cho các sản phẩm giá rẻ, vốn có cấu hình giới hạn hơn rất nhiều. Điều này rất quan trọng khi mà mảng thị trường tại các nước đang phát triển đang là một điểm cạnh tranh nóng trong giới di động, với hàng loạt đối thủ mới như hệ điều hành Firefox OS của Mozilla.