Khách hàng ngán ngẩm khi các nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G từ ngày 16-10-2013. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Trùng hợp thời điểm tăng giá là ... do Bộ TT&TT
"Đột nhiên 3 mạng di động cùng lúc tuyên bố tăng cước 3G, liệu đây có phải là hành vi bắt tay nhau để khống chế thị trường không?" Đây là câu hỏi của độc giả Huỳnh Ngọc Trác ở Sài Gòn, và Trương Quang Thuận ở địa chỉ email quangthuantn@gmail.com và cũng là nội dung câu hỏi của nhiều độc giả khác gửi đến ICTnews trong buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề "Vì sao tăng cước 3G" sáng 17-10.
Theo ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty MobiFone, thực tế từ ngày 9-8, MobiFone đã có văn bản đề xuất tăng cước 3G bắt đầu từ 17-10-13. Ông Hồ Đức Thắng, Phó Giám đốc Công ty VinaPhone cũng cho biết từ cuối tháng 8 đã có văn bản điều chỉnh giá cước và xin được tăng giá cước từ 15-9. Còn với Tập đoàn Viettel, theo ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh, thì Viettel cũng đã xin điều chỉnh giá cước từ ngày mùng 1-10.
Theo cả 3 đại diện nhà mạng, đến ngày 4-10, doanh nghiệp mới nhận được văn bản của Cục Viễn thông chấp thuận điều chỉnh giá cước. "Cũng như các nhà mạng khác, theo chu kỳ tính cước, nếu áp dụng giá cước trong nửa đầu tháng thì giá cước sẽ được tính tròn tháng vào ngày mùng 1, còn nửa cuối tháng (ngày 16) thì cước sẽ chỉ tính nửa tháng. Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng thì chúng tôi chọn ngày 16-10 bắt đầu tăng giá, như thế người dùng sẽ chỉ bị tính nửa chu kỳ cước của tháng đó", ông Hồ Đức Thắng lý giải.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT khẳng định đúng là từ tháng 8-2013, cả 3 doanh nghiệp MobiFone, Viettel và VinaPhone đều đã có văn bản đăng ký điều chỉnh giá cước. Sau đó, trong quá trình thẩm định, Cục Viễn thông đã yêu doanh nghiệp phải bổ sung, giải trình thêm về phương án tăng giá (hạn cuối là 13-9). Trên cơ sở giải trình của các doanh nghiệp, nhìn được bức tranh chung cũng như sự cân đối của cả thị trường Việt Nam, Cục Viễn thông mới ban hành văn bản chấp thuận cho các doanh nghiệp điều chỉnh giá cước. Cục không ấn định thời điểm tăng giá, nhưng có thể do văn bản chấp thuận của Cục được ký cùng một ngày 4-10 nên dẫn tới sự trùng thời điểm tăng giá của 3 doanh nghiệp viễn thông.
Vì sao cả ba mạng đồng loạt lên 70.000 đồng?
Ông Nguyễn Đức Trung nhận định: "Trước đây, các doanh nghiệp đều có những gói cước chung chứ không phải chỉ bây giờ. Theo thẩm định của Cục Viễn thông, gói cước 3G giá 70.000 đồng/tháng chính là gói cơ bản của mức sử dụng chung trên thị trường tại thời điểm này. Mức giá này cũng không khác gì gói cước trả sau như dịch vụ di động. Hiện các nhà mạng đều đồng loạt có gói cước thuê bao giá 50.000 đồng/tháng, và gói cước 3G có mức giá 70.000 đồng/tháng cũng tương tự như vậy".
Ông Nguyễn Đình Chiến cho biết: "Việc quyết định giá cước 70.000 đồng căn cứ vào lộ trình tăng cước, căn cứ vào thống kê, nghiên cứu thị trường về khả năng chi trả của khách hàng. Theo thống kê của MobiFone, khách hàng dùng smartphone cấp trung phù hợp gói cước giá 70.000 đồng, tương ứng với dung lượng 600Mb".
Với Tập đoàn Viettel, ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ: "Để đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách hàng, Viettel có các gói cước thuê bao tháng gồm: 0 đồng, 10.000 đồng, 30.000 đồng, 50.000 đồng, 70.000 đồng, 120.000 đồng,.. Mức cước 70.000 đồng nằm trong hệ thống cân đối giá cước nói chung, đồng thời dựa trên nhu cầu của khách hàng Viettel. Đây là vấn đề về kỹ thuật tính cước để tối ưu hóa các lợi ích cho khách hàng và cân bằng với lợi ích nhà mạng".
Còn với VinaPhone, ông Hồ Đức Thắng cho biết: "Hiện VinaPhone đưa ra nhiều gói cước khác nhau, căn cứ vào nhu cầu sử dụng và mức độ chi trả người dùng có thể lựa chọn gói cước phù hợp. Giá gói cước mỗi tháng có thể là 10.000 đồng, 25.000 đồng, 50.000 đồng, 70.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng, và dung lượng data tương ứng mỗi gói là khác nhau. Trước đây VinaPhone cũng đã cung cấp gói cước 50.000 đồng/tháng và 70.000 đồng/tháng, nay chúng tôi chỉ điều chỉnh dung lượng đi kèm. Các điều chỉnh này bám theo giá thành, cách thức tiêu dùng dịch vụ của người dùng".
Nhà mạng có vi phạm Luật Cạnh tranh?
Dẫn lời ông Hà Hải - Trưởng Văn phòng luật sư Hà Hải (TP HCM) cho rằng "Luật Cạnh tranh cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh", độc giả Minh Thư ở Hà Nội nêu câu hỏi: “Nếu đúng như đại diện của nhà mạng cho biết giá dịch vụ 3G trước ngày 16/10 chỉ bằng 50% giá thành thì trong thời gian dài vừa qua, phải chăng nhà mạng đã phạm luật? Cơ quan quản lý Nhà nước giải thích về vấn đề này như thế nào?"
Trả lời câu hỏi vừa nêu, ông Trần Anh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương nói: "Mãi tới cuối năm ngoái, Bộ TT&TT mới ban hành Thông tư quy định về giá thành của gói cước. Chúng tôi đang trong quá trình thu thập thông tin cần thiết, căn cứ thông tin nhận được và trao đổi với Bộ TT&TT, chúng tôi mới có thể đưa ra những nhận định của mình".
Câu trả lời của ông Sơn cho thấy câu hỏi về việc liệu các nhà mạng có vi phạm luật cạnh tranh hay không đến giờ vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Liên quan tới sự cạnh tranh trên thị trường, độc giả Chí Thanh ở TP HCM nêu ý kiến: "Ngành viễn thông với mục tiêu hướng tới và thực hiện thị trường tự do cạnh tranh nhưng hiện nay các doanh nghiệp viễn thông lại làm người ta liên tưởng đến đến câu chuyện của ngành xăng dầu. Đó chính là sự độc quyền của các ông lớn. Nhiều người cho rằng đây là bước đi thụt lùi của ngành viễn thông. Bộ TT&TT có ý kiến gì về điều này?".
Đại diện cho Bộ TT&TT, ông Nguyễn Đức Trung khẳng định: "Điều bạn giả thuyết là không đúng, viễn thông là một trong những ngành tại Việt Nam có cạnh tranh và cạnh tranh rất tốt nên người dân đã có quyền được lựa chọn dịch vụ và sử dụng giá cước rất hợp lý. Phần lớn các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đều cạnh tranh thông qua giảm giá mà cụ thể là dịch vụ truy nhập Internet qua mạng di động giá cước rất thấp so với giá thành và so với giá cước khu vực. Từ khi ra đời dịch vụ di động 3G, để thu hút khách hàng, tăng lưu lượng sử dụng, doanh nghiệp đã giảm giá cước truy nhập Internet xuống dưới giá thành rất nhiều, và lấy các dịch vụ di động khác bù lỗ cho dịch vụ này. Việc doanh nghiệp điều chỉnh tăng cước là việc cần làm và nếu thị trường không có biến động lớn thì trong tương lai, doanh nghiệp sẽ tiếp chỉnh điều chỉnh tăng cước như lộ trình doanh nghiệp đăng ký với Bộ để đảm bảo giá cước không thấp hơn giá thành, để thị trường phát triển bền vững, tránh đổ vỡ.