Gần đây, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đang có những bước chuyển biến tích cực. Nhiều doanh nghiệp (DN) chịu khó nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm mới, áp dụng các chiến lược tiếp cận thị trường bài bản. Thay vì chỉ cung cấp các nguyên liệu thô, nay nhiều DN đã từng bước đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất các mặt hàng có chất lượng cao, có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, người tiêu dùng nước ngoài chưa biết đến những nỗ lực trên. Đối với thương nhân nước ngoài thì Việt Nam thường chỉ được xem là địa chỉ hấp dẫn của nhóm thương nhân chuyên tìm nguồn cung giá rẻ chứ không phải tìm nguồn cung chất lượng tốt. Thực tế là hình ảnh giá rẻ - chất lượng thấp gắn với hàng hóa trong nước trong thời gian dài đã ảnh hưởng lớn đến nỗ lực xuất khẩu của Việt Nam.
Xuất khẩu phải mang thương hiệu nước ngoài
Hiện ngành nông nghiệp có 10 sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu chính, trong đó có 8 sản phẩm (cà phê, cao su, gạo, thủy sản, điều, hồ tiêu, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ) có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Tuy nhiên cho đến nay, 90% nông sản vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.
Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, nhiều sản phẩm đã được biết đến rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước và đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn còn đến hơn 80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác. Những sản phẩm này bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Đây là bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường còn yếu và thiệt thòi.
Việc xây dựng thương hiệu nông sản còn khó khăn về chính sách, pháp luật, chưa có chương trình tổng thể về xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực, làm căn cứ định hướng để địa phương, DN xác định mặt hàng, thị trường tập trung xây dựng thương hiệu. Chưa có hệ thống quy định của pháp luật thống nhất trong lĩnh vực thương hiệu. Hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, hướng dẫn về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý còn nhiều bất cập, khó triển khai trong thực tiễn tại địa phương. Chưa kể các vấn đề về tín dụng, về sản xuất, nguồn nhân lực, nghiên cứu thị trường, xúc tiến cũng còn hạn chế.
Cần nhiều giải pháp
Theo các chuyên gia, muốn thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam không những phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác sản xuất nông nghiệp mà còn phải cho thế giới biết những điều tốt đẹp về thực phẩm của mình. Từng bước xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm, nhằm thu hút thêm nhóm khách hàng mới.
Trên thực tế đã có một số hiệp hội ngành hàng cùng các DN đã bắt tay xây dựng thương hiệu riêng cho ngành hàng của mình. Tuy nhiên, do ngành hàng thực phẩm đang chủ yếu dựa vào các DN vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế nên các thương hiệu nông sản, thực phẩm vẫn chưa được khách hàng tại các thị trường nước ngoài biết đến. Trong nước, những cố gắng đơn lẻ của từng mặt hàng sẽ không tạo được sức mạnh chung. Việc thiếu chiến lược tổng thể về xây dựng, phát triển thương hiệu của ngành đang làm khách hàng và người tiêu dùng nước ngoài chưa nhận thức được đầy đủ cũng như đánh giá đúng mức về chất lượng, giá trị hàng hóa, năng lực cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết việc xây dựng thương hiệu chung cho toàn ngành thực phẩm rất quan trọng, tạo nên sức mạnh tổng hợp từ thế mạnh của các nhóm hàng, ngành hàng cụ thể. Thương hiệu chung còn hỗ trợ cho những nhóm ngành hàng hiện nay chưa có điều kiện xây dựng thương hiệu riêng. Thương hiệu chung tạo sức lan tỏa, độ nhận diện của các nhóm ngành hàng hiệu quả hơn.
Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, cần ưu tiên các chính sách tín dụng, hỗ trợ về đất đai, tài chính, khoa học kỹ thuật, phát triển thị trường, nguồn nhân lực, liên kết các nhà khoa học, nhà quản lý, DN, nông dân. Xây dựng chương trình tổng thể về phát triển thương hiệu nông sản. Nghiên cứu chuyển giao nhanh các quy trình sản xuất tiên tiến. Phát triển hệ thống xúc tiến, nghiên cứu dự báo thị trường, phối hợp lồng ghép các chương trình khuyến nông, thương mại, khoa học công nghệ.