Hằng năm, Việt Nam vẫn phải chi một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu bắp hạt về phục vụ nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Đó chính là mâu thuẫn nội tại của ngành trồng trọt, khi mà gạo thì xuất khẩu, thậm chí xuất khẩu khó khăn còn bắp thì nhập khẩu chiếm giá trị lớn trên 1,65 tỉ USD trong năm 2016. Ông Trần Xuân Định, Cục phó Cục Trồng trọt, cho biết giá bắp nhập khẩu giảm mạnh trong những năm gần đây khiến tổng lượng nhập khẩu bắp về Việt Nam tăng nhanh, cụ thể năm 2016, Việt Nam nhập 8,3 triệu tấn. Điều này tạo ra áp lực rất lớn đối với nông dân trồng bắp trong nước.
Tăng năng suất
Được biết cây bắp vẫn là cây lương thực quan trọng. Với nhu cầu thực phẩm, thức ăn chăn nuôi ngày một tăng như hiện nay, việc chủ động về nguồn cung sẽ giúp bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời tránh khỏi tình trạng bị phụ thuộc và thất thoát ngoại tệ khi phải nhập khẩu bắp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng duy trì diện tích canh tác như hiện tại nhưng tăng cao giá trị và sản lượng trên mỗi đơn vị diện tích canh tác. Theo đó, khuyến khích ứng dụng các loại giống mới, phương pháp canh tác tiên tiến và đẩy mạnh cơ giới hóa. Năng suất bắp trung bình của Việt Nam còn đang ở mức rất thấp do điều kiện canh tác không thuận lợi, địa hình khó khăn, việc ứng dụng các giống mới kháng lại các tác nhân bất thuận sẽ giúp bảo đảm năng suất tiềm năng và nhờ đó nâng cao sản lượng và chất lượng bắp sau thu hoạch. Việc đưa các giống công nghệ sinh học vào sản xuất trong những năm gần đây bước đầu tạo ra các tín hiệu tích cực khi năng suất và thu nhập của nông dân trồng bắp được cải thiện rõ rệt.
Theo Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), việc hình thành các chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất bắp sẽ là giải pháp chủ yếu giúp nâng cao tính cạnh tranh của bắp Việt Nam. Năng suất bắp tại Việt Nam còn ở mức khá thấp so với thế giới và chỉ đủ đáp ứng khoảng 40%-50% nhu cầu tiêu thụ trong nước nên phải nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt. Dự đoán nhu cầu về thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 9 triệu tấn bắp và sản xuất trong nước vẫn sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu. Đồng thời quá trình hội nhập, thuế nhập khẩu đối với bắp sẽ có xu hướng giảm. Tất cả nhân tố trên sẽ tạo áp lực rất lớn cho sản xuất trong nước.
Một rẫy bắp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng khoa học kỹ thuật nên đạt năng suất cao
Cung không đủ cầu
Để tăng sức cạnh tranh, vấn đề cốt lõi đó là nâng cao chất lượng sản xuất bắp đồng thời tổ chức lại sản xuất, giảm bớt can thiệp của quá nhiều tác nhân trung gian tham gia vào chuỗi giá trị. Mô hình tổ nhóm hợp tác xã kết nối trực tiếp với doanh nghiệp được đưa ra như một giải pháp quan trọng, trong đó nông dân liên kết sản xuất, doanh nghiệp trực tiếp hỗ trợ về phương tiện, giống, kỹ thuật canh tác và bảo đảm xử lý, bao tiêu sau thu hoạch.
Được biết Việt Nam nằm trong nhóm các nước có mức tiêu thụ bắp lớn nhất thế giới, với tỉ lệ tăng trưởng qua các năm hơn 12%. Hiện tại, thị trường châu Mỹ đang là nơi xuất khẩu bắp chính sang châu Á, châu Phi và các khu vực khác. Đáng chú ý là mức độ nhập khẩu tại tất cả châu lục đều tăng qua các năm và dự báo đến năm 2020, mức tiêu thụ bắp toàn cầu sẽ khoảng 1.074 triệu tấn (năm 2016 là 1.021 triệu tấn), trong đó châu Á và châu Phi sẽ tăng 20%. Với năng suất như hiện nay (năm 2016 thế giới sản xuất được khoảng khoảng 1.040 triệu tấn), đến năm 2050, sản xuất bắp thế giới sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu, đồng nghĩa với việc nguồn cung về bắp sẽ không còn dư thừa đề xuất khẩu sang các thị trường còn thiếu như châu Á, trong đó có Việt Nam. Nếu không sớm có các phương án để chủ động tốt hơn về sản xuất ngô nội địa, Việt Nam sẽ gặp khó theo xu hướng này. Bài toán của Việt Nam và nhiều nước trồng bắp khác hiện nay đó là cần gia tăng năng suất trên diện tích sẵn có để gia tăng sản lượng.
Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật và trồng trọt tỉnh Sơn La, cho biết bắp là cây trồng chủ lực của tỉnh và là nguồn thu nhập chính của nông dân. Diện tích trồng bắp hiện tại của tỉnh khoảng 152.000 ha, tuy nhiên, năng suất rất thấp do gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất và sự không đồng đều giữa các vùng, thường đạt mức 3,89 tấn/ha gần như thấp nhất cả nước. Năm 2017, diện tích giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước do gặp nhiều khó khăn đến từ điều kiện canh tác và xu hướng giá bắp thương phẩm giảm. Xử lý bắp sau thu hoạch cũng là một trong những quan ngại lớn của tỉnh, các hộ nông dân thường chỉ bán bắp tươi, bán ngay tại ruộng cho thương lái với điều kiện phơi sấy rất hạn chế. Chất lượng bắp thương phẩm vì thế không được bảo đảm. Đây là tình hình chung tại các vùng trồng bắp trên cả nước.