Trong những năm qua, nền kinh tế đất nước đạt được nhiều thành tựu ấn tượng không thể không đề cập đến sự đóng góp của các doanh nghiệp trong đó có những doanh nghiệp tư nhân.
"Doanh nghiệp tư nhân là trụ cột của nền kinh tế và là niềm tự hào của chúng ta. Tuy nhiên, hòa trong dòng chảy phát triển lịch sử của đất nước, doanh nghiệp tư nhân gặt hái nhiều thành tựu nhưng cũng gặp không ít khó khăn từ rào cản chính sách, quan điểm…". PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân phát biểu khai mạc tọa đàm.
Các khách mời tham gia tọa đàm trực tuyến ngày 22-11
Với tư cách Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ông Nguyễn Văn Thân, ĐBQH phát biểu tại tọa đàm nói về sự lớn mạnh của các tập đoàn tư nhân, tổng công ty tư nhân, ông cho rằng, cần phải có các DN đầu đàn. Vì như thế, cộng đồng DN nhỏ và vừa mới nhìn những tấm gương để noi theo, đó sẽ là những tấm gương của người Việt Nam thành công trên đất Việt Nam, bởi rõ ràng, khi người ta thành công là thành công ở nhiều mặt thì mới tạo ra doanh thu, lao động, việc làm cho đất nước.
Ngoài ra, các DN đầu đàn cũng đóng vai trò tạo ra công ăn việc làm cho DN nhỏ và vừa, tức là thúc đẩy nền kinh tế phụ trợ. Ông lấy ví dụ về câu chuyện của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, đã giúp giải quyết được 4.000 lao động trả lương trực tiếp, còn lại là 10.000 lao động gián tiếp. Đây cũng là một trong những DN nộp thuế nhiều nhất cho nhà nước. Ông cho rằng muốn lớn, nhỏ, vừa như thế nào thì DN phải phát triển tốt, gương mẫu, tạo ra nhiều công ăn việc làm chứ không chỉ là hoạt động xã hội.
Ông Nguyễn Văn Thân, ĐBQH, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Chuyên gia kinh tế, TS Lưu Bích Hồ cho biết trước đây, khi bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế tư nhân đã phát triển tới mức có 25.000 doanh nghiệp, đến nay đã có đế 600.000 doanh nghiệp, dự kiến lên 1 triệu doanh nghiệp tới năm 2020. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được vì mỗi năm chúng ta tăng thêm ít nhất trên 100.000 doanh nghiệp đăng ký mới và đổi mới doanh nghiệp cũ cũng trở thành doanh nghiệp mới. Bên cạnh một số doanh nghiệp rất lớn, các đại gia đã nổi lên như Vingroup, FLC, Trường Hải, TH TrueMilk, Hòa Phát, đặc biệt là doanh nghiệp Tân Hiệp Phát, là đơn vị rất nổi bật vai trò của mình trong việc cạnh tranh và hội nhập với bên ngoài.
Qua những phân tích của các đại biểu một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp tư nhân đối với sự phát triển của đất nước. Đồng thời, qua các ý kiến chúng ta cũng thấy rằng có rất ít doanh nghiệp thực sự lớn mạnh và thiếu sự phát triển đồng đều so với các thành phần kinh tế khác. Một câu hỏi đặt ra là, doanh nghiệp tư nhân không muốn lớn hay không thể lớn?
Về câu hỏi này, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết ở đây có hai khía cạnh không thể lớn và không muốn lớn. Thứ nhất, vì sao không thể lớn. Theo thống kê của thế giới, các doanh nghiệp (DN) trong vòng 5 năm đầu hình thành thì sau 5 năm 95% sẽ thất bại, chỉ sống sót được 5%. Từ 5% đó họ mới tăng trưởng lên 15, 20 năm. Do vậy, số DN hiện nay tồn tại trên 150 năm trên thế giới rất hiếm. Đó là một trong những yếu tố để thấy rằng muốn lớn cũng không thể lớn được vì lý do nguồn lực và năng lực. Tất cả DN đều bị một giới hạn là người lãnh đạo. Người lãnh đạo có thể phát triển được tới đâu thì DN sẽ tăng trưởng tới đó. Người đứng đầu là "cái nóc của cả cái bình", nếu họ không tự phát triển, không tự thay đổi tư duy thì nó ảnh hưởng đến sự phát triển của DN. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ là người kìm hãm DN phát triển.
Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đưa ra những ý kiến trong buổi tọa đàm
Đối với Tân Hiệp Phát, trong vòng 5-7 năm vừa qua chúng tôi phải kìm hãm sự tăng trưởng. Lý do chúng tôi kìm hãm sự tăng trưởng vì chúng tôi nhìn thấy bộ máy sắp sửa đến lúc phải được tăng cường năng lực thì mới đi lên được vị trí cao hơn. Đó cũng là một bài toán, khi phát triển đến một mức độ nào đó thì sẽ phải trả lời câu hỏi: năng lực của tổ chưc như thế nào, làm sao để đi lên? Từ năm 2012, Tân Hiệp Phát đã phải mời chuyên gia nước ngoài và những tổ chức thế giới để xây dựng cho Tân Hiệp Phát một sơ đồ tổ chức. Muốn lên doanh thu 1 tỉ USD thì sơ đồ tổ chức phải như thế nào. Bà Trần Uyên Phương chia sẻ.
Về khía cạnh không muốn lớn, theo bà Phương là vì DN sợ lớn. DN nhất phường, nhất thành phố, nhất quốc gia… mỗi lần nhất như vậy nó đòi hỏi một năng lực mới. Muốn vượt ra khỏi cái mình đang làm tốt, nhiều khi mình phải phá vỡ cái cũ. Có dám đột phá hay không? Đó là những nỗi sợ của chúng tôi bởi đột phá nào cũng có rủi ro.
Nhiều người đã đã hỏi chúng tôi rằng: Vì sao Tân Hiệp Phát từ chối bán vào năm 2012 với giá 2,5 tỉ USD? Vì chúng tôi mong muốn có một thương hiệu Việt mang ra thế giới. Mặc dù tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả, sứ mệnh, tầm nhìn của Tân Hiệp Phát đặt ra hơn thế. Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi không sợ bởi quá trình tăng trưởng gặp rủi ro rất lớn. Tất cả mọi người đều biết Tân Hiệp Phát từng gặp rất nhiều khủng hoảng, nhưng sau mỗi khủng hoảng chúng tôi lại lớn lên, chúng tôi lại nhìn thấy được điểm yếu của bản thân, để đi tiếp.