Báo cáo cũng chỉ ra rằng các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á vẫn là các quốc gia tự tin và lạc quan nhất toàn cầu. Philippines vẫn tiếp tục giữ vững số điểm 117 và được xếp thứ 2 toàn cầu; kế đến là Indonesia 115 điểm; Thái Lan đạt 114 điểm, xếp thứ 4; Singapore đạt 94 điểm; Malaysia đạt 80 điểm.
“Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt tiếp tục tăng cho thấy sự lạc quan của người tiêu dùng đã được cải thiện. Điều này có thể được lý giải nhờ vào sự sẵn lòng chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh, cùng với đó, niềm tin của nhà bán lẻ cũng có sự cải thiện rõ rệt trong dịp Tết nguyên đán vừa qua - giai đoạn mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm” - theo quan sát của Vaughan Ryan, Tổng Giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam.
Đặc điểm chung của người tiêu dùng ở 6 quốc gia được khảo sát trong khu vực Đông Nam Á đó là họ tập trung xây dựng một nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai của họ. Và khi nói đến tiết kiệm thì Việt Nam vẫn luôn là quốc gia đứng đầu toàn cầu với 79% người tiêu dùng khẳng định điều này, tiếp đến là Indonesia (75%), Philippines (65%), Singapore (64%), Malaysia (63%) và Thái Lan (60%).
Người tiêu dùng cân nhắc trước khi chi tiêu mua sắm
Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt có xu hướng tăng tại Việt Nam, khuynh hướng thay đổi thói quen chi tiêu để tiết kiệm chi phí vẫn là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng Việt. Theo khảo sát, 8 trong 10 người tiêu dùng đã điều chỉnh thói quen của họ trong 12 tháng qua để hạn chế các khoản chi tiêu của mình (85%). Cụ thể, 3 trong 5 người Việt (60%) đã tiết kiệm chi phí gas và điện cũng như cắt giảm mua sắm quần áo mới so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, phân nửa người Việt cũng đã giảm chi tiêu cho các khoản giải trí bên ngoài gia đình (54%) và chi phí sử dụng điện thoại (42%).
Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt cũng cho hay sau khi trang trải các chi phí thiết yếu trong cuộc sống, họ cũng sẵn sàng dành tiền cho các khoản chi tiêu khác như các kỳ du lịch (44%), mua sắm quần áo mới (44%), trang trí/sửa chữa nhà cửa (40%), các sản phẩm công nghệ mới (38%) cũng như các hoạt động giải trí bên ngoài (37%).
Các ưu tiên của người tiêu dùng Việt đang dần thay đổi. Người tiêu dùng ngày nay không chỉ đơn thuần là quan tâm đến chuyện lo đầy đủ cho bữa ăn hằng ngày mà họ ngày càng mong muốn có cuộc sống tốt hơn, cải thiện hơn và điều này kéo theo việc xuất hiện và gia tăng các mong đợi và các ưu tiên khác nhau. Hầu hết người tiêu dùng đều mong muốn có nhà riêng hoặc có thể đi du lịch trong khoảng thời gian dài. Do đó, nhu cầu tiết kiệm ngày càng tăng cao. Tuy nhiên không ít người tiêu dùng vẫn còn bi quan cho thị trường ngày càng đắt đỏ.
Mối lo suy thoái vẫn khiến 5 trong 10 người Việt (52%) quan tâm và lo lắng vì họ tin rằng nền kinh tế quốc gia vẫn chưa phục hồi. Hơn 1/3 người Việt cũng cảm nhận rằng viễn cảnh công việc vẫn không có dấu hiệu cải thiện, thậm chí còn có phần tiêu cực hơn (37%). Do đó, suy thoái kinh tế và vấn đề bảo đảm công ăn việc làm vẫn là những mối lo và quan tâm lớn của họ, với 1/4 người tiêu dùng lo lắng về nền kinh tế quốc gia (24%) và quan tâm đến tình trạng việc làm của bản thân (25%).
Tuy nhiên, gần 1/3 người tiêu dùng (34%) cũng đã chỉ ra rằng sức khỏe mới chính là vấn đề được họ quan tâm và lo lắng nhiều nhất trong vòng 6 tháng tới. Các mối quan tâm khác của người tiêu dùng trong top 10 đó là cân bằng cuộc sống/công việc, việc tăng các chi phí hóa đơn thiết yếu và giá thực phẩm (18%), giáo dục dành cho trẻ em (8%) cũng như vấn đề nợ (7%).
Bài và ảnh: PHƯỚC DUY