Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, mỗi năm, trên thế giới hiện có trên 500.000 ca mắc mới UTCTC, trong đó có khoảng 250.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, theo "Kế hoạch hành động quốc gia về dự phòng và kiểm soát UTCTC giai đoạn 2016-2025" của Bộ Y tế, 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm vi rút HPV, tỉ lệ nhiễm cao ở độ tuổi 20-30. Bệnh nhân UTCTC phải chịu nhiều hậu quả nặng nề.
PGS. TS. BS. Cao Hữu Nghĩa, Trưởng Khoa xét nghiệm lâm sàng Viện Pasteur TP HCM, cho biết UTCTC gây tổn thương lớn đến tử cung. Bệnh diễn tiến âm thầm và kéo dài 5-20 năm. Triệu chứng thường khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh nhân phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tử cung. Hiện bệnh chưa có thuốc đặc trị, cách phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm vắc xin ngừa vi rút HPV.
Vắc xin ngừa HPV đã được WHO, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, khuyến khích tiêm ngừa để phòng bệnh UTCTC. Theo thống kê của WHO, 270 triệu liều vắc xin ngừa vi rút HPV đã được sử dụng trên toàn cầu, trải qua 6 lần xem xét tính an toàn suốt 12 năm qua. Tại Việt Nam, vắc xin HPV đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng vào năm 2008. Đã có hơn 1 triệu liều vắc xin được sử dụng trong 10 năm qua.