Nguyễn Thảo Tiên, con gái của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên đã thông báo trên Instagram cá nhân đã được bố sắp xếp chuyên cơ riêng để bay về Việt Nam cách ly dịch Covid-19. Theo ước tính, chi phí của chuyến chuyên cơ này có thể lên đến 10 tỷ đồng.
Trước đó, nữ doanh nhân trẻ này đã tham dự tuần lễ thời trang Milan Fashion week tại Ý trong khoảng thời gian ngày từ ngày 18-24/2. Việc Thảo Tiên tham dự các tuần lễ thời trang sang trọng tại châu Âu không có gì là bất ngờ khi cô là Phó Tổng Giám đốc Phát triển thời trang cao cấp của tập đoàn IPP Group.
Các vị trí chủ chốt của IPP do vợ chồng ông Hạnh Nguyễn và các con đảm nhiệm
IPP Group được biết đến chủ yếu với lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam, website của Tập đoàn cho biết IPP chiếm đến gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước.
Mảng kinh doanh thời trang – hàng hiệu của IPP được thực hiện thông qua 3 công ty là DAFC, ACFC và CMFC. DAFC - công ty phụ trách chính mảng phân phối hàng hiệu của IPP – hiện là nhà phân phối của các thương hiệu cao cấp như Rolex, Bvlgari, Armani Exchange, Burberry, Cartier… Còn ACFC và CMFC phân phối thời trang trung cấp với các thương hiệu Nike, Mango, Tommy Hilfigher, Levi’s…
Bên cạnh đó, IPP còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác như hàng không (đầu tư vào Sasco, nhà ga quốc tế Cam Ranh), nhượng quyền đồ ăn nhanh đến những mảng kinh doanh ít được biết đến hơn như IPP Sprits (kinh doanh rượu), IPP Leaf (kinh doanh nguyên liệu thuốc lá), logistics, bán lẻ đồ công nghệ…
Hệ thống các mảng kinh doanh của IPP Group
Mặc dù kinh doanh những mặt hàng xa xỉ nhưng điều bất ngờ là lợi nhuận của DAFC khá thấp, cả về con số tuyệt đối cũng như tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu. Năm 2018, DAFC đạt xấp xỉ 1.200 tỷ đồng doanh thu và 31 tỷ đồng LNTT, tức tỷ suất lợi nhuận chỉ 2,6%.
Công ty phân phối thời trang trung cấp ACFC cũng có doanh thu tương đương nhưng có LNTT lên tới 107 tỷ đồng.
Trong khi đó, Tam Sơn – một tên tuổi lớn khác trong lĩnh vực phân phối hàng hiệu tại Việt Nam – có doanh thu dao động từ 1.300-1.500 tỷ/năm và lợi nhuận lên đến 200 tỷ/năm. Các thương hiệu lớn do Tam Sơn phân phối gồm có Hermes, Patek Philippe, Chopard, Bottega Veneta, Boss…
Nếu như lợi nhuận của mảng kinh doanh hàng hiệu có phần khiêm tốn thì dịch vụ hàng không mới là "con gà đẻ trứng vàng" của IPP Group.
Công ty mẹ IPP Group cùng DAFC và ACFC đang nắm giữ 45% cổ phần của Sasco CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) - một trong những doanh nghiệp lớn nhất kinh doanh dịch vụ phi hàng không tại sân bay. Các nguồn thu chính của công ty đến từ kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách thương gia, ẩm thực, nhà hàng khách sạn tại sân bay… Lợi nhuận hàng năm của Sasco hiện đạt trên 400 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa đến từ hoạt động kinh doanh phòng chờ VIP tại sân bay.
IPP cũng là cổ đông chính của CTCP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (CRTC). Trong năm 2018 cũng là năm đầu khai thác, CRTC – một trong những đơn vị tư nhân đầu tiên đầu tư nhà ga sân bay – đạt doanh thu 560 tỷ và 52 tỷ đồng.
Một mảng kinh doanh không thể không nhắc đến của IPP là kinh doanh nhà hàng. IPP nhận nhượng quyền một số thương hiệu đồ ăn nhanh như Domino’s Pizza, Burger King, gà rán Popeyes cùng một số thương hiệu nhà hàng kinh doanh tại sân bay. Cũng giống như nhiều cái tên đình đám khác, mảng kinh doanh đồ ăn nhanh của IPP sau nhiều năm hoạt động vẫn chưa có lãi.