Chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Deutsche Bank, bà Juliana Lee, cho biết: “Nhờ vào sự khôi phục bền vững của nông nghiệp và xuất khẩu, Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng GDP 6,4% trong năm 2017, cao hơn mức 6,2% đã đạt được trong năm 2016. Chúng tôi cũng nhận thấy Việt Nam đang tiếp tục thực hiện kế hoạch cải tổ để nâng cao tiềm lực tăng trưởng trong dài hạn”.
Tái cơ cấu ngân hàng
Việc cải tổ các doanh nghiệp (DN) thuộc sở hữu nhà nước cũng rất quan trọng đối với tình hình tài chính của Việt Nam vì nó làm tăng hiệu quả của chi tiêu công và nguồn tiền thu được từ cổ phần hóa DN nhà nước có thể được sử dụng để trả bớt nợ công.
Tại một cuộc họp hồi cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dự định của Việt Nam là sẽ nâng tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng và mở rộng khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường chứng khoán trong nước, sớm nhất là vào đầu năm 2017. Như vậy, trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài có thể được phép kiểm soát hoàn toàn các ngân hàng Việt Nam đang gặp khó khăn. Theo nhiều chuyên gia, với nguồn vốn nước ngoài, Việt Nam có thể đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc tái cơ cấu ngân hàng và giải quyết nợ xấu. Trước đó, Việt Nam đã ban hành một hướng dẫn cụ thể về sở hữu nhà nước, gợi mở về sự cải tổ nhanh chóng các DN sở hữu nhà nước trong năm nay. Việc cải tổ DN sở hữu nhà nước không những giúp tăng trưởng lâu dài, mạnh mẽ hơn cho Việt Nam mà còn cải thiện tình hình tài chính trong thời gian tới, chẳng hạn như nguồn thu từ việc cổ phần hóa các DN nhà nước có thể được sử dụng để trả bớt nợ công.
Điều kiện tiên quyết: Cải thiện môi trường kinh doanh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh mục tiêu của Chính phủ trong việc chống tham nhũng, hối lộ và nhìn thấy sự cải thiện trong điều kiện kinh doanh, với mong muốn vươn lên trở thành một trong 4 nước hàng đầu Đông Nam Á. Hiện Việt Nam đang có những cải tiến rõ rệt trong môi trường kinh doanh. Thứ hạng của Việt Nam trong “Chỉ số thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng Thế giới” đã tăng lên vị trí 82 trong năm 2017, từ vị trí 91 trong năm 2016. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, mặc dù đang thực hiện tương đối tốt các lĩnh vực như tiếp cận tín dụng, đăng ký bất động sản và giấy phép xây dựng, Việt Nam vẫn cần nỗ lực hơn trong các hạng mục như thanh toán thuế, DN khởi nghiệp và các giải pháp cho phá sản. Ngân hàng Nhà nước đang hình thành các điều luật liên quan nhằm tạo điều kiện giải quyết nợ xấu.
Các chuyên gia kinh tế thế giới nhận định trong trường hợp đạt được tiến bộ đáng kể trong cải cách kinh tế, với sự hỗ trợ bởi dòng vốn nước ngoài, có thể thấy VNĐ sẽ mạnh lên, trái ngược với dự đoán về sự giảm giá đều đặn của VNĐ so với USD. Điều này cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn của Việt Nam, có thể sẽ hơn mức dự báo trong khoảng hơn 6% nhưng thấp hơn mục tiêu lớn của Chính phủ, 7% đến năm 2020.