Lãi suất cho vay đã giảm đúng như mục tiêu điều hành của Ngân hàng (NH) Nhà nước nhưng xu hướng này có ổn định hay không mới là vấn đề đáng quan tâm.
Vì sao lãi suất huy động cao?
PGS-TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện NH - Tài chính Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, phân tích có 3 lý do khiến lãi suất huy động năm 2016 có thể cao. Đó là lạm phát tăng trở lại bắt buộc lãi suất danh nghĩa bằng tỉ lệ lạm phát cộng chi phí NH không thể không tăng. Hai là lãi suất trái phiếu Chính phủ cao nên lãi suất huy động của NH không thể thấp hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ. Ba là kỳ vọng của công chúng và bản thân NH cũng đói vốn, muốn huy động ngắn hạn để cho vay trung dài hạn.
Dữ liệu từ kết quả khảo sát lãi suất cho vay và huy động VNĐ của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) vừa công bố cho thấy lãi suất huy động bình quân của VNĐ trong tháng 5 tăng nhẹ 0,01%, từ mức 6,06%/năm lên 6,07%/năm. Như vậy, tính từ đầu năm tới nay, lãi suất huy động đã tăng 0,18% so với đầu năm và cao hơn 0,38% so với mức đáy 5,69%/năm được thiết lập vào tháng 5-2015.
Còn theo số liệu của NH Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động bằng VNĐ hiện nay phổ biến ở mức 0,8%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng có mức lãi suất 4,5%- 5,4%/năm; kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5,4%-6,5%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4%-7,2%/năm. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định xu hướng lãi suất huy động cao có thể được duy trì đến hết năm nay.
Phụ thuộc vào “đầu tàu”
Giảm lãi suất cho vay trong khi không kéo được lãi suất huy động xuống không phải là nhiệm vụ bất khả thi song cũng là một bài toán khó của nhà điều hành. Theo PGS-TS Đặng Ngọc Đức, có 2 lý do để giải bài toán này. Cụ thể, NIM (tỉ lệ thu nhập lãi cận biên) năm 2015 cao hơn so với năm 2014, nếu giảm được NIM về mức của năm 2014 có nghĩa là cho vay vẫn giữ được ở mức không tăng lên hoặc có thể giảm. Bên cạnh đó, năng suất lao động ngành NH Việt Nam đang rất thấp so với các nước trong khu vực. Ví dụ tại Malaysia, một nhân viên tín dụng mỗi năm huy động/cho vay được 160-165 tỉ đồng thì tỉ lệ tương ứng của nhân viên tín dụng Việt Nam chỉ khoảng 35-40 tỉ đồng, tức là thấp hơn 4-5 lần. Nếu năng suất lao động tăng lên có thể tiết kiệm được chi phí NH rất nhiều để có thể giảm được lãi suất đầu ra mà không ảnh hưởng đến lợi nhuận. Trên thị trường cũng đã có NH không mở phòng giao dịch sáng thứ bảy mà chỉ duy trì giao dịch internet banking để tiết kiệm chi phí hoạt động.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, việc giảm lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay mới thể hiện ở một số NH lớn, NH có thanh khoản tốt, giảm được chi phí hoạt động. “Đây là xu hướng tốt, nếu các NH này có khả năng cạnh tranh cao sẽ dẫn dắt được thị trường. Về phía doanh nghiệp hoặc sẽ chuyển sang vay các NH lãi suất thấp hoặc yêu cầu NH mình đang có quan hệ tín dụng phải giảm về mức thị trường” - chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bình luận. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng đánh giá việc giảm lãi suất hiện nay chủ yếu do tác động từ chỉ đạo của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chưa phải do yếu tố thị trường.
Để giảm được lãi suất cho vay, chuyên gia này cho rằng Chính phủ cần giảm chi tiêu công để giảm lượng phát hành trái phiếu Chính phủ. Nếu NH giảm lãi suất huy động thấp hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ sẽ không phát hành được, Chính phủ không cân đối được ngân sách, phải bội chi cao và như vậy làm tăng nợ công. Do đó, “đầu tàu” lãi suất hiện nay là ở Chính phủ chứ không phải ở NH. Nếu Chính phủ tiếp tục phát hành trái phiếu lãi suất cao thì NH không thể giảm lãi suất cho vay hơn nữa.
Trong tháng 5, lãi suất cho vay bình quân giảm 0,08%, từ mức 9,35% trong tháng 4 còn 9,27%/năm. Đây là mức lãi suất cho vay thấp nhất trong năm và thấp hơn 0,3% so với đầu năm.