Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (GSTCQG) cho biết 6 tháng đầu năm 2017, tín dụng tăng gần 8% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,4%).
Nóng kỳ hạn ngắn
Đáng lưu ý là cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn thay đổi theo hướng giảm tỉ trọng trung dài hạn và tăng tỉ trọng ngắn hạn. Cụ thể, tỉ trọng tín dụng ngắn hạn là 45,9%, tăng cao so với con số 44,9% tín dụng ngắn hạn cuối năm 2016. Trong khi đó, tỉ trọng tín dụng trung và dài hạn giảm còn 54,1% so với mức 55,1% đạt được vào cuối năm ngoái.
Cơ cấu tín dụng theo loại tiền tiếp tục duy trì ổn định nhưng tín dụng ngoại tệ tăng nhanh. Cụ thể, tín dụng VNĐ ước tăng 7,7% so với cuối năm 2016, chiếm khoảng 91,6% và không thay đổi so với cùng kỳ năm 2016. Tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng mạnh trong tháng, ước tính 6 tháng đầu năm 2017 tăng 7,3% so cuối năm 2016, chiếm 8,3% tổng tín dụng.
Ủy ban GSTCQG cũng cho biết lãi suất liên ngân hàng (NH) 6 tháng đầu năm đã giảm từ 1,7%-2,5% so với cuối tháng 4, về mức 2,6%-3,4%. Tính đến cuối tháng 6-2017, NH Nhà nước hút ròng khoảng 11.600 tỉ đồng.
Còn trên thị trường 1, mặt bằng lãi suất huy động trong 6 tháng đầu năm 2017 nhìn chung có xu hướng tăng nhẹ. Tính đến ngày 20-6, lãi suất huy động bình quân toàn hệ thống tăng khoảng 0,03% đối với kỳ hạn trên 12 tháng và ổn định ở các kỳ hạn ngắn. Lãi suất cho vay tương đối ổn định.
Báo cáo tại phiên họp trực tuyến Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết phần lớn chi phí của doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện nay là trả lãi suất NH do phải dựa vào vốn tín dụng.
Sáu tháng cuối năm, lãi suất huy động có thể biến động mang tính cục bộ Ảnh: Tấn Thạnh
Do các thị trường vốn chưa phát triển, nhiều năm nay, hệ thống NH là kênh cung ứng vốn quan trọng nhất cho nền kinh tế Việt Nam với quy mô tín dụng bằng khoảng 110%-120% GDP, tương đương 6 triệu tỉ đồng. Mặt bằng lãi suất hiện nay, vay dài hạn đối với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh là 6%-9%, ngắn hạn là 9%-11%, lãi biên là 3%-5%.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, NH đang thu từ nền kinh tế khoảng 200.000 tỉ đồng lãi suất/năm. Con số này cao hơn toàn bộ số thu từ thuế thu nhập DN vào ngân sách nhà nước vì số thu này đạt khoảng 188.000 tỉ đồng/năm. Do đó, nếu phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5%-1% thì tác động còn lớn hơn so với giảm thuế thu nhập DN.
Khó tránh khả năng tăng lãi suất
Ủy ban GSTCQG cũng đưa ra dự báo 6 tháng cuối năm 2017, lãi suất huy động có thể biến động mang tính cục bộ tại một số NH cân đối nguồn vốn để đáp ứng quy định tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40% kể từ ngày 1-1-2018. Tuy nhiên, việc ổn định lãi suất trong những tháng cuối năm vẫn có các yếu tố hỗ trợ từ phía trong nước và quốc tế. Trước hết, ở áp lực từ phía tỉ giá không quá lớn do lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể dự báo được nên sức ảnh hưởng không nhiều. Đồng USD đã giảm 5,1% và động thái điều hành tỉ giá chủ động của NH Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2017. Bên cạnh đó, lạm phát nhiều khả năng đạt được mục tiêu kiềm chế ở mức 4%. Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu Chính phủ chỉ còn hơn 30% kế hoạch cũng tạo điều kiện hỗ trợ việc ổn định lãi suất…
Chuyên gia tài chính NH Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận mặc dù Quốc hội vừa có nghị quyết về xử lý nợ xấu, mở ra khả năng trị dứt điểm "cục máu đông" này nhưng nền kinh tế cũng vẫn sẽ phải trả giá. Do đó, lãi suất vẫn có khả năng phải chịu áp lực từ nợ xấu trong 6 tháng cuối năm 2017. Theo chuyên gia này, nợ xấu lên đến khoảng 600.000 tỉ đồng trong khi vốn chủ sở hữu của các NH, đến cuối quý I/2017 khoảng 667.000 tỉ đồng (theo số liệu của NH Nhà nước) là vấn đề rất đáng lo ngại, vì nợ xấu đã tương đương với vốn chủ sở hữu của NH. Chỉ cần 50% nợ xấu trở thành thiệt hại thì vốn chủ sở hữu sẽ giảm mạnh.