Lợi ích là hiển nhiên nhưng nếu xem truyền hình quá lâu hoặc không chú ý giữ vệ sinh, sức khỏe trong quá trình xem thì có thể gây ra một số bệnh mà người ta gọi là “hội chứng máy thu hình”.
Đầu tiên, nếu xem truyền hình liên tục trong một thời gian dài thì đó là một gánh nặng quá mức đối với hệ thần kinh, có thể gây hưng phấn dẫn đến đau đầu, mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc. Đặc biệt là người già, do hay liên tưởng với những tình tiết khi xem các chương trình nên xảy ra trạng thái hưng phấn hoặc bi ai, có thể làm cho hệ thần kinh trung ương bị kích thích mãnh liệt, gây huyết áp cao, đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim. Ở người có bệnh cao huyết áp, bệnh mạch vành, nếu ngồi xem quá lâu có thể dẫn đến tai biến mạch máu não hay đột tử.
Ngồi xem truyền hình quá lâu, ít thay đổi tư thế, nên tuần hoàn máu ở chi dưới có thể bị trì trệ, gây tê chi dưới, phù thủng, nhất là đối với người béo phì. Thần kinh tọa có thể bị chèn ép, gây đau lưng, đau mông, đau cẳng chân.
Điều dễ nhận thấy nhất khi xem truyền hình lâu là bị mỏi mắt, có thể bị những tật khúc xạ như cận thị, loạn thị. Kết luận của các nhà nghiên cứu Úc cho thấy đối với trẻ em, xem truyền hình quá lâu dễ dẫn đến béo phì, kém thông minh và bạo lực. Trẻ em nước này, ngay từ 4 tháng tuổi đã tiếp xúc với truyền hình, nhìn theo các hoạt động trên màn hình trung bình 45 phút/ngày. Trẻ 5 tuổi và lớn hơn thì càng mất nhiều thời gian xem truyền hình hơn so với thời gian học. Hậu quả việc ngồi bất động hàng giờ trước màn hình vô tuyến là nguyên nhân chủ yếu của những béo phì ở trẻ nhỏ và sự phát triển trí óc, sự hiểu biết xã hội không đúng đắn của chúng, bởi trẻ chưa có khả năng phân biệt được thực tế cuộc sống với những gì diễn ra trên màn hình vô tuyến. Các chuyên gia đã đưa ra những lời khuyên như sau, để phòng ngừa “hội chứng máy thu hình”:
1. Giữ khoảng cách khi xem: Khoảng cách giữa máy và nơi ngồi bằng 4-5 lần của đường chéo màn hình. Ví dụ truyền hình 20 inches thì khoảng cách thích hợp là 2-3 m. Người ngồi xem nhìn ngang hoặc nhìn xuống thì cơ cổ không mỏi. Không nên vừa nằm vừa xem, không vừa ăn vừa xem. Không xem quá khuya vì dễ gây mất ngủ.
2. Không nên xem quá lâu: Không xem quá 3 giờ/ngày. Trong lúc xem, cần thư giãn tinh thần bằng cách cứ sau 50 phút lại đứng dậy ra ngoài phòng vận động một chút, thở hít không khí trong lành cho khí huyết lưu thông.
3. Gìn giữ thị lực: Trong phòng xem, nên dùng bóng đèn có công suất từ 5-9 W nhằm làm dịu độ sáng của tia quét màn hình, từ đó giảm sự kích thích đối với mắt. Để giảm mỏi mắt, cứ xem khoảng 20 phút lại nhắm mắt nghỉ ngơi một chút. Đối với người có bệnh mắt như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể nên xem ít hơn. Ở người mắc bệnh tim mạch nặng, chỉ nên xem các chương trình văn nghệ, giải trí, hài, nhẹ nhàng... Không xem các phim bạo lực, kinh dị nhằm tránh bị kích thích quá mức có thể gây tai biến hiểm nghèo.
4. Rửa mặt bằng xà phòng sau khi xem: Sau khi mở máy truyền hình, chùm điện tử từ trong máy phóng ra có thể làm cho màn hình và vùng lân cận sản sinh ra rất nhiều điện tích có tác dụng hút bụi trong không khí. Trong bụi lại có nhiều vi sinh vật, nếu chúng bám vào da mặt mà không kịp thời tẩy rửa thì có thể làm cho da mặt mọc những chấm đen, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Do vậy, buổi tối sau khi xem truyền hình xong, nên rửa mặt bằng xà phòng trước khi đi ngủ.