Viêm khớp gối có thể phát triển ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng thường ở người cao tuổi. Trang tin MNT dẫn thông tin từ Quỹ Viêm khớp Mỹ cho biết khoảng 50% tổng số người trưởng thành có thể bị viêm khớp gối ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Ngoài tuổi tác, một số yếu tố nguy cơ khác dễ dẫn tới viêm khớp gối như béo phì; tiền sử tổn thương khớp; sử dụng khớp gối quá đáng; cơ bắp đùi yếu và do gien.
Những giai đoạn viêm khớp gối
Viêm khớp gối phát triển dần qua nhiều năm và thường khó điều trị trong trường hợp bệnh đã tiến triển lâu. Ở giai đoạn mà bệnh nhân cảm nhận được triệu chứng đau là lúc mà sự tổn hại ở gối khó có thể phục hồi. Giới chuyên môn ghi nhận 4 giai đoạn viêm khớp gối so với khớp gối lành mạnh, bệnh nhân cần lưu ý để kiểm soát bệnh tốt hơn là mới viêm, viêm nhẹ, vừa và nặng.
Trong giai đoạn mới bị bệnh, hình ảnh X-quang cho thấy những đốt gai nhỏ phát triển ở vùng gối. Sụn có thể bị tổn thương nhẹ nhưng chưa thấy xuất hiện chỗ hẹp lại ở xương do sụn nơi đó bị vỡ. Qua giai đoạn 2, triệu chứng của viêm khớp gối bắt đầu được nhận thấy rõ nhưng còn nhẹ. X-quang cho thấy xuất hiện nhiều gai hơn và lớp sụn chen giữa xương bắt đầu mỏng lại. Hoạt dịch lúc đó vẫn còn để giúp khớp xương cử động và bệnh nhân bớt đau. Tình trạng nặng vừa phải ở giai đoạn 3, những tổn hại của sụn đã tiến triển, khoảng cách đầu xương hẹp lại thêm và phần sụn bị mất đi có thể được nhìn thấy qua X-quang. Bệnh nhân cảm thấy đau và bất tiện trong thao tác công việc hằng ngày. Chạy, đi bộ, quỳ hoặc khom mình cũng khó khăn và tình trạng viêm được nhận thấy rõ. Sụn tiếp tục mỏng hơn và vỡ nên xương phản ứng lại bằng cách trở nên dày hơn cũng như gai xuất hiện nhiều. Mô nằm trên khớp gối bị viêm nặng hơn và có thể tiết dịch nhiều hơn, khiến gối bị sưng to, được gọi là viêm màng hoạt dịch. Giai đoạn 4 nghiêm trọng nhất và những triệu chứng viêm khớp gối được nhận thấy rất rõ. Chỗ khớp giữa các xương còn rất hẹp, sụn bị vỡ nhiều hơn, khớp cứng lại, viêm thường xuyên và dịch còn rất ít xung quanh khớp. Khi đó, độ ma sát ở khớp tăng, bệnh nhân cảm thấy rất đau và rất khó chịu khi cử động. X-quang cho thấy xương chồng lên xương, sụn chỉ còn rất ít hoặc mất đi hoàn toàn. Gai phát triển nhiều hơn và trong trường hợp nặng, xương có thể bị biến dạng.
Chẩn đoán viêm khớp gối thường không dễ dàng, thầy thuốc cần thu thập thông tin tiền sử bệnh cá nhân và gia đình, thực hiện đầy đủ những xét nghiệm. Quét hình ảnh cộng hưởng từ (MRI), xét nghiệm dịch khớp cũng có thể giúp phát hiện bệnh sớm. Nhiều trường hợp cần thử máu và xét nghiệm khác để loại trừ bệnh gút hoặc viêm khớp dạng thấp.
Điều trị và phòng ngừa
Trị liệu viêm khớp gối thay đổi tùy thuộc vào các giai đoạn bệnh tiến triển nói trên. Ở giai đoạn đầu mới bị bệnh, những triệu chứng có thể kéo dài khoảng từ 6-8 tuần. Bệnh nhân có thể dùng acetaminophen hoặc một số thuốc thông thường khác để giảm đau cũng như vài bài tập đặc biệt có thể được chỉ định. Bệnh chuyển sang giai đoạn 2 vài tháng tiếp theo và lúc đó cần thuốc giảm đau theo toa kèm vật lý trị liệu là phương pháp phổ biến. Một bao nẹp đặc biệt được mang ốp sát vào gối có thể giúp giảm áp lực lên bề mặt khớp. Bệnh nhân cần thay đổi chế độ sinh hoạt thích hợp để giảm đau. Nhiều trường hợp cần cortisone và tiêm dịch trơn khớp. Bệnh có thể tiến triển đến giai đoạn 3 và 4 từ 3 đến 6 tháng hoặc lâu hơn. Lúc này, sụn tổn hại nhiều, còn lại rất ít. Nhiều biện pháp trị liệu được áp dụng kể cả phẫu thuật thay khớp gối là biện pháp sau cùng.
Viêm khớp gối trước đây được cho là bệnh không thể tránh khỏi khi cao tuổi nhưng quan niệm hiện nay cho rằng có thể phòng tránh bằng cách thay đổi và ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ như không gây áp lực quá đáng lên khớp gối, không để béo phì. Bệnh khó điều trị khi đã tiến triển đến giai đoạn 3 và 4 - là lúc những tổn hại không thể hồi phục. Triệu chứng bệnh có thể thay đổi tùy bệnh nhân, do đó, nếu có triệu chứng nghi ngờ nên đến gặp thầy thuốc để được xét nghiệm và điều trị.
Vài khái niệm căn bản
Viêm khớp xương thường thấy nhất là dạng thoái hóa khớp ảnh hưởng đến sụn ở đoạn cuối của xương. Sụn là dạng mô trơn tạo ra bề mặt mịn và dễ trượt để khớp vận động, đồng thời giữ vai trò chất đệm ở khớp xương. Mô hoạt dịch nằm trải dài trên khớp, sản sinh dung dịch bôi trơn khớp đồng thời cung cấp ôxy và chất dinh dưỡng cho sụn. Hoạt dịch và sụn là 2 thành phần của khớp giúp khớp vận động một cách thích hợp. Ở những bệnh nhân viêm khớp xương, sụn bị mòn đi, khiến xương ở phần dưới trồi lên quá đáng, sụn trở nên thô ráp và bị vỡ. Sụn vỡ gây đau, sưng và những khó khăn khác khi khớp phải cử động. Những triệu chứng đó có thể tồi tệ hơn theo thời gian.