Chương trình tầm soát suy tĩnh mạch mạn tính miễn phí tại các bệnh viện TP HCM và Hà Nội trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua đã cung cấp cho hơn 2.000 người bệnh những thông tin về bệnh lý cũng như phương pháp điều trị hữu ích.
Một bệnh lý phổ biến
Giãn tĩnh mạch chân ở nữ giới thường gặp nhiều hơn so với nam giới. Đây là tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở chân, tức là việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả nữa, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần.
Chia sẻ tại chương trình tầm soát suy tĩnh mạch mạn tính, PGS-TS-BS Lê Nữ Thị Hòa Hiệp cho biết: Thống kê của các nghiên cứu dịch tễ học thế giới ghi nhận, khoảng 30%-40% dân số trưởng thành mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chân. Nhưng có đến trên 70% người không biết mình bị bệnh (tại Việt Nam). Do đó, ngay bây giờ, chúng ta nên tìm hiểu các triệu chứng giãn tĩnh mạch chân để biết cách phòng ngừa và phát hiện bệnh kịp thời.
Tại hội thảo về giãn tĩnh mạch chân tổ chức ở Bệnh viện Tân Phú, cô Thanh Hương - 70 tuổi (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) kể khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều đêm cứ ngủ được 1-2 tiếng là một trong hai chân của cô thay nhau tê cứng, có lần không thể ngủ nổi, cô Hương phải dậy xoa bóp chân theo phương pháp massage nhưng đó chỉ là giải pháp tức thì chứ không khỏi được bệnh. “Tôi thấy càng ngày bệnh chân càng nặng vì thường xuyên bị chuột rút giữa đêm hoặc bị nặng chân nên rất khó ngủ” - cô Hương nói.
Theo PGS-TS-BS Lê Nữ Thị Hòa Hiệp, suy giãn tĩnh mạch là một bệnh lý khá phổ biến. Một điều đáng quan tâm là do lối sống hiện đại ngày nay, tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa, suy giãn tĩnh mạch ngày càng xuất hiện nhiều ở người dưới 20 tuổi. Bệnh thường xảy ra ở những người làm công việc hay nghề nghiệp đòi hỏi ngồi nhiều, đứng lâu, ít vận động như nhân viên văn phòng, tài xế, giáo viên, nhân viên bán hàng, thợ làm tóc... Dù không gây tử vong nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, khả năng lao động cũng như tiền bạc vì bệnh kéo dài, chi phí điều trị cao.
Những triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch
Triệu chứng giãn tĩnh mạch chi dưới ở giai đoạn đầu thường mờ nhạt. Người bệnh có biểu hiện như châm chích ở chân, mỏi chân, đau chân, nặng chân khi đứng lâu, ngồi nhiều. Vào đêm có hiện tượng vọp bẻ, cảm giác kiến bò cẳng chân. Mới đầu, người bệnh có thể thấy những hình mạng nhện màu đỏ hoặc màu tím xanh ở bắp chân. Khi bệnh nặng hơn, máu bị ứ trệ ở chân khiến người bệnh có cảm giác khó chịu: căng tức ở bắp chân, mỏi chân... và có các biểu hiện của hội chứng chân không nghỉ (phải rung hoặc gác chân mới có cảm giác dễ chịu). Nặng hơn nữa thì chân bị thay đổi màu sắc da, loạn dưỡng và chàm hóa da. Nhiều trường hợp không được điều trị, chân sẽ bị loét, thường là ở cổ chân. Bệnh dễ dẫn đến biến chứng như hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch giãn, có thể lan lên phổi gây tắc động mạch phổi, dễ dẫn đến tử vong.
Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh lý tiến triển và ở các giai đoạn nặng hơn của bệnh thì thường khó điều trị, chi phí cao. Loét do tĩnh mạch xảy ra trên 0,3% dân số ở các nước phương Tây nhưng tỉ lệ chữa lành chỉ là 1%. Hơn nữa, suy tĩnh mạch là bệnh lý mạn tính nên thời gian điều trị lâu dài.
Là chuyên gia về lĩnh vực này, PGS-TS-BS Lê Nữ Thị Hòa Hiệp khuyên rằng việc điều trị suy giãn tĩnh mạch chân cần phải được duy trì lâu dài, kết hợp việc thay đổi lối sống và dùng thuốc đúng để điều trị, để ngăn ngừa bệnh không tiến triển đến giai đoạn nặng hơn. Hãy biết bảo vệ, chăm sóc sức khỏe đôi chân thông qua chế độ ăn uống, luyện tập và sinh hoạt trong đời sống hằng ngày để loại bỏ nguy cơ bị suy tĩnh mạch!