Mỗi năm, trên cả nước có hàng trăm ca nhập viện do ngộ độc nấm, nhất là khi thời tiết mưa ẩm, nấm mọc nhiều.
Ăn canh nấm, cả nhà nhập viện
Mới đây, Trung tâm Chống độc Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã tiếp nhận và cấp cứu cho 6 người trong một gia đình ở tỉnh Điện Biên bị ngộ độc nấm. BV và gia đình phải thuê cả một chuyến trực thăng chở 6 người xuống Hà Nội để được cấp cứu kịp thời. Khi nhận dạng được loại nấm mà gia đình đã ăn phải, các bác sĩ đã cho các bệnh nhân quay về BV tỉnh điều trị, vì loại nấm họ ăn chỉ gây rối loạn tiêu hóa, không có nguy cơ tử vong.
Theo các bác sĩ, ngộ độc nấm thường xảy ra với nhiều người. Trước đó vài tháng, Trung tâm Chống độc từng cấp cứu cho 5 thanh niên ở xã Bình An, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang bị ngộ độc nấm sau khi rủ nhau hái về nấu canh. Đau lòng nhất là trường hợp một gia đình ở huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng gồm 9 người bị ngộ độc nấm sau bữa cơm mừng tân gia bằng món nấm do cả gia đình vào rừng hái. Bữa cơm đó đã khiến cả 9 người đều bị ngộ độc nấm khiến 8 người tử vong, chỉ còn lại cậu bé 10 tuổi bị ngộ độc nặng phải chuyển về cấp cứu tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, cho biết các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc thường xuyên xảy ra tại các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lai Châu… và thường để lại hậu quả rất nặng nề. So với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca nhưng tỉ lệ tử vong lại rất cao. Mỗi năm, cả nước có hàng trăm ca ngộ độc nấm với hàng chục ca tử vong.
Nhiều sai lầm về cách thử nấm độc
Từng có nhiều năm nghiên cứu về các loại nấm độc, TS-BS Nguyễn Dũng, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, cho biết hiện nay, nhiều người cho rằng nấm độc có màu sắc sặc sỡ là không đúng bởi thực tế, trung tâm tiếp nhận cấp cứu nhiều người ăn loại nấm trắng rất ngọt, mềm nhưng lại là loại nấm cực độc. Kể cả côn trùng ăn nấm độc, người ăn côn trùng này cũng có thể bị ngộ độc.
Theo bác sĩ Dũng, nhiều người sai lầm trong cách nhận diện nấm độc như gà, chó… ăn nấm trước, nếu sau 1- 2 giờ không chết hoặc không bị ngộ độc thì kết luận là nấm không độc. “Cách này chỉ đúng với một số loại nấm có tác dụng nhanh. Nấm gây chết người thường có tác dụng chậm, sau 12-24 giờ mới có triệu chứng đầu tiên, động vật chỉ chết sau 4-5 ngày. Một số người thử nấm bằng thìa, đũa, dây chuyền… bạc, nếu bạc đổi màu xám đen thì coi là nấm độc. Cách này hoàn toàn sai bởi các loại độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc nên không gây đổi màu. Do vậy người dân chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được” - bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Theo bác sĩ Dũng, người dân tuyệt đối không ăn thử nấm lạ, không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm. Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu, dập nát. Việc phân biệt nấm độc bằng kinh nghiệm rất mạo hiểm, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa ẩm lại rất nhiều nấm độc như hiện nay.
Ngộ độc nấm có triệu chứng ban đầu tương tự rối loạn tiêu hóa là nôn, đi ngoài, đau bụng. Có những loại nấm độc gây ngộ độc trong khoảng 6 giờ sau ăn, cũng có những loại nấm chứa chất amatoxins cực độc sau 6 giờ mới phát tác chất độc gây tổn thương gan, rối loạn chảy máu gan dẫn đến suy đa phủ tạng. Bác sĩ Nguyên lưu ý khi có biểu hiện ngộ độc nếu chưa nôn thì cần móc họng hoặc uống nhiều nước rồi móc họng gây nôn. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng cho bệnh nhân còn tỉnh, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có than hoạt thì uống ngay với liều 2 g/15 kg cân nặng. Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện đến cơ sở y tế, mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến để xác định sơ bộ loại nấm.