Đặc biệt với sự vào cuộc tích cực của các cấp Công đoàn (CĐ) đã có hơn 76.300 công nhân viên chức lao động bỏ thuốc lá.
Giảm hút thuốc lá thụ động
Theo kết quả điều tra này, so với năm 2010, tỉ lệ người hút thuốc lá ở người trưởng thành từ 15 tuổi đã giảm từ 23,8% còn 22%, trong đó, nam giới từ 47,4%, nay còn 45,3% và tỉ lệ nữ giới hút thuốc từ 1,4% giảm còn 1,1%. Tỉ lệ hút thuốc lá điếu chung giảm từ 19,9% năm 2010 còn 18,2% năm 2015. Đặc biệt, tỉ lệ hút thuốc chung ở khu vực thành thị giảm đáng kể, từ 23,3% năm 2010 xuống còn 20,6%, trong đó tỉ lệ này ở nam giới là 47,7% năm 2010 xuống còn 42,7% và tỉ lệ hút thuốc lá điếu ở khu vực thành thị từ 45,2% năm 2010 xuống còn 38,7% năm 2015. Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) - Bộ Y tế, cũng cho biết tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm nhiều ở tất cả các địa điểm. Tại gia đình, từ 73,1% xuống còn 59,9%; tại nơi làm việc, từ 55,9% xuống còn 42,6%; tại các trường đại học, cao đẳng, từ 54,3% xuống còn 37,9%; trên phương tiện giao thông công cộng, từ 34,4% xuống còn 19,4% và tại trường học, từ 22,3% xuống còn 16,1%...
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, nhận thức của người trưởng thành về tác hại đến sức khỏe của hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc thụ động tăng đáng kể. Cụ thể là tỉ lệ người tin rằng hút thuốc lá gây ra các bệnh đột quỵ, đau tim, ung thư phổi tăng từ 55,5% năm 2010 đến 61,2% năm 2015; tỉ lệ người tin rằng phơi nhiễm với khói thuốc thụ động gây các bệnh nguy hiểm cho người không hút thuốc tăng từ 87,0% năm 2010 lên 90,3% năm 2015... Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chuyển biến này là do sự quan tâm vào cuộc của cả cộng đồng, trong đó có sự tích cực của ngành y tế và các cơ quan thông tin đại chúng từ trung ương đến các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân.
Truyền thông trực tiếp
Ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết với sự hỗ trợ kinh phí của Văn phòng Quỹ PCTHTL của Bộ Y tế, Tổng LĐLĐ đã hỗ trợ cho 35 LĐLĐ tỉnh, thành phố và CĐ ngành; tổ chức tập huấn, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá; hướng dẫn các bước xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc trong công nhân viên chức lao động (CNVC-LĐ). Hiện hầu hết các LĐLĐ tỉnh, thành phố và CĐ ngành đã tổ chức lồng ghép được hàng trăm lớp tập huấn tuyên truyền về tác hại của thuốc lá. Trong 6 tháng đầu năm 2016 đã có thêm 21.328 CNVC-LĐ bỏ thuốc lá; trên 70% số CĐ cơ sở triển khai xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc; tổ chức được hàng trăm buổi tập huấn cho hơn 150.000 công nhân, lao động về Luật PCTHTL. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp CĐ trong công tác PCTHTL, tính đến thời điểm 31-7-2016, tổng số cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ bỏ thuốc lá trên 76.300 CNVC-LĐ; gần 100.000 CNVC-LĐ giảm hút thuốc lá; hơn 150.000 lượt CNVC-LĐ được tuyên truyền, phổ biến Luật PCTHTL; thông tin về tác hại của thuốc lá; ý nghĩa sức khỏe của việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá...
Theo bà Phan Thị Hải, tình trạng hút thuốc lá giảm đáng kể ở Việt Nam cho thấy sự thành công ban đầu sau 3 năm thực hiện Luật PCTHTL cũng như công tác tuyên truyền về tác hại thuốc lá đã được triển khai rộng rãi trên cả nước. Đặc biệt, với sự vào cuộc của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tỉ lệ hút thuốc lá ở nhóm công nhân, người lao động đã giảm mạnh. Các hoạt động truyền thông trực tiếp của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại các khu công nghiệp, khu chế xuất... đã giúp CNVCLĐ tiếp cận được thông tin về tác hại của hút thuốc lá chủ động và thụ động - những ảnh hưởng bệnh tật lên người trưởng thành và thai nhi, trẻ em; những địa điểm cấm hút thuốc lá; ích lợi của xây dựng môi trường không khói thuốc lá... Từ đó giúp mọi người nhận thức tốt hơn về môi trường sống, môi trường làm việc không khói thuốc lá sẽ giảm tỉ lệ mắc bệnh, tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, góp phần tạo ra nếp sống văn minh, lịch sự cho cán bộ, CNVC-LĐ.