Một số nghiên cứu từng nêu mối quan hệ giữa thiếu kẽm và triệu chứng rối loạn cương dương. Kẽm cần thiết cho sự phát triển và hoạt động của các cơ quan sinh dục nam. Nam giới thiếu kẽm có thể khiến tinh hoàn phát triển kém, số lượng tinh trùng giảm. Kẽm giúp sản sinh những hormone sinh dục then chốt như testosterone và protactin cũng như có thể tạo nên thành phần chính trong dịch tuyến tiền liệt.
Nguyên nhân, triệu chứng thiếu kẽm
Đã có bằng chứng về chế độ dinh dưỡng chứa kẽm có thể tác động lên năng lực tình dục. Một khảo sát cho thấy chuột đực được cho uống liều sulfate kẽm trung bình hằng ngày có thể làm tăng thời gian trước khi xuất tinh và lượt đẩy dương vật lúc giao cấu. Cũng có khảo sát cho thấy việc bổ sung kẽm có khả năng cải thiện rối loạn cương ở người bị bệnh thận lâu ngày.
Trang tin Medical News Today nêu ước tính của giới chuyên môn cho rằng có khoảng 17% dân số trên thế giới bị thiếu kẽm. Triệu chứng thiếu kẽm thay đổi nhiều từ nhẹ đến nặng. Trường hợp thiếu kẽm nặng tương đối hiếm và thường gây ra do rối loạn về di truyền hay bệnh tật nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tình trạng thiếu kẽm khá phổ biến với khoảng 2 tỉ người ở các nước đang phát triển mắc phải ở mức độ nhẹ và trung bình. Triệu chứng ở mức độ trung bình và nặng có khi tương đối giống nhau. Thiếu kẽm mức trung bình không bị xem là nguy hiểm ở người trưởng thành khỏe mạnh nhưng tác động xấu cho sự phát triển của trẻ em. Triệu chứng thiếu kẽm bao gồm: Chậm hoặc ngừng tăng trưởng, hệ miễn dịch yếu, phát triển sinh dục chậm hoặc không đầy đủ, mất cân bằng về cảm giác, ăn không ngon, tiêu chảy kéo dài, bệnh ngoài da, viêm phổi, rụng tóc, mệt mỏi về thể xác và tinh thần.
Nhóm đối tượng có nguy cơ thiếu kẽm cao là phụ nữ mang thai, trẻ em và người hơn 65 tuổi. Hầu hết các trường hợp thiếu kẽm là do dinh dưỡng. Chế độ ăn chay nghiêm ngặt có thể gây nguy cơ thiếu kẽm vì vài loại rau và hạt ngũ cốc có chứa phytic acid - vốn ngăn chặn hấp thu kẽm. Suy dinh dưỡng và thiếu ăn dễ dẫn đến thiếu kẽm. Một số chứng bệnh có thể can thiệp vào sự hấp thu kẽm như viêm đại tràng, viêm ruột, bệnh celiac (không dung nạp gluten), bệnh gan và thận. Các loại thuốc hạn chế ruột thẩm thấu cũng có thể dẫn tới thiếu kẽm.
Thực phẩm giàu kẽm, bổ sung kẽm
Đã có những hướng dẫn về việc bổ sung kẽm nhằm điều trị rối loạn cương dương nhưng bệnh nhân nên xem xét bổ sung với sự hướng dẫn của thầy thuốc nam khoa về lựa chọn và liều lượng. Kết quả xét nghiệm mức độ testosterone có thể trợ giúp để cân nhắc liệu bổ sung kẽm có thực sự lợi ích cho từng trường hợp mà không gây tác hại hay không.
Cách tốt nhất để cơ thể đủ kẽm là dùng thực phẩm tự nhiên giàu kẽm. Cần lưu ý, hầu hết nhóm thực phẩm giàu chất sắt cũng thường chứa kẽm, ngoại trừ sản phẩm từ sữa. Loại thức ăn có mức độ kẽm cao gồm: hải sản vỏ cứng (đặc biệt là hàu), mầm lúa mì, thịt đỏ, mè, bí đỏ và hạt bí đỏ, sô-cô-la đen, sản phẩm từ đậu nành và vài loại đậu khác, hạt nhân (đặc biệt là hạt điều). Những người không dùng đủ kẽm qua thực phẩm có thể cân nhắc bổ sung kẽm dưới dạng đa vitamin hoặc thuốc chứa sulphate kẽm không cần kê toa. Vài loại thuốc cần kê như Mercola và Galzin cũng như loại thuốc tiêm đều cần chỉ định của bác sĩ, sau khi có xét nghiệm mức độ kẽm qua máu, nước tiểu hoặc mẫu tóc.
Giới chức y tế Mỹ cảnh báo người trưởng thành không nên dùng quá 40 mg kẽm/ngày để tránh tác dụng phụ và ngộ độc. Những triệu chứng ngộ độc nhẹ gồm nôn, tiêu chảy và nặng hơn như đau đầu, sốt, mất liên kết cơ. Nhiễm độc kẽm lâu dài có thể gây thiếu máu và suy yếu hệ miễn dịch. Bệnh nhân nên bổ sung kẽm sau bữa ăn khoảng 1- 2 giờ và không nên dùng cùng lúc với khoáng chất khác như sắt và đồng. Một số thực phẩm chứa phytic acid hoặc phốt pho có thể hạn chế hấp thu kẽm. Viên bổ sung kẽm cũng tương tác với vài loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc trị cao huyết áp, đặc biệt là loại thuốc ức chế men chuyển angiotensin. Nói chung, bệnh nhân dùng thuốc huyết áp nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi bổ sung kẽm.