Nhưng trăm dâu đổ đầu chất béo thì oan cho cholesterol. Theo kết quả thống kê trên cả chục ngàn bệnh nhân ở Mỹ, gần phân nửa phải vào phòng cấp cứu vì nhồi máu cơ tim là những người trước đó chưa hề tăng mỡ máu. Đáng nói hơn nữa là không dưới 40% nạn nhân không có dấu hiệu báo động điển hình như cơn đau thắt ngực, đặc biệt ở phụ nữ, khiến cho số trường hợp tử vong ở nữ giới trong phòng cấp cứu cao hơn cánh đàn ông. Khi nạn nhân không gõ cửa thầy thuốc lúc chớm bệnh thì thầy thuốc cũng khó mà trở tay kịp trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc. Bên cạnh nguyên nhân dễ lý giải, như cao huyết áp, tiểu đường…, phải có thêm “bàn tay đánh lén” bất ngờ nào đó khiến mạch máu trên thành tim bất ngờ tắc nghẽn.
Câu hỏi nào sớm muộn cũng có đáp án. Công trình nghiên cứu dài hạn ở Đại học London cho thấy tăng mỡ máu tuy là điều kiện ắt có nhưng vẫn chưa đủ để dẫn đến nhồi máu cơ tim. Đòn bẩy để từ thiếu máu cơ tim chuyển nhanh sang thuyên tắc mạch vành chính là sự hiện diện của những chất khiến mạch máu trên thành tim co thắt đột ngột.
Đứng đầu trong các chất hại tim không thương tiếc là cặp bài trùng troponin và homocystein. Chúng là sản phẩm của cơ thể thường tích lũy ở người sống chung với stress, ở người mượn rượu bia để quên đời đen bạc. Hai chất này một khi vượt quá định mức bình thường, đặc biệt ở người chưa quá tuổi 50, là nhân tố rủi ro cao độ vì là đòn bẩy của thiếu máu cơ tim và tai biến mạch máu não cho dù huyết áp của nạn nhân trước đó trong định mức bình thường. Chính vì bàn tay phá hoại của hai chất này mà mạch máu co thắt đột ngột cùng lúc với dòng máu trở nên đậm đặc. Vỏ não, thành tim, cầu thận… khi đó là điểm hở sườn để nhận đòn đo ván!
Nếu có cách nào hạ troponin và homocystein thì đó chắc chắn là biện pháp phòng bệnh mạch vành. Mục tiêu này tất nhiên càng nên được khẩn trương lưu ý ở người đã rối loạn biến dưỡng chất béo, như ở bệnh nhân tiểu đường. Vì xơ vữa mạch máu do rối loạn biến dưỡng chất béo rất nhanh chân “ăn theo” nên bệnh tim mạch bao giờ cũng đồng hành với bệnh tiểu đường. Cũng vì mỡ máu dễ vượt khỏi vòng kiểm soát nên cao huyết áp, tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim là hậu quả thường gặp trong bệnh tiểu đường. Chuyên gia ngành tim mạch quả quyết là phía sau của hơn 50% trường hợp tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim là bàn tay phá hoại ngấm ngầm của bệnh tiểu đường. Đáng nói hơn nữa là tỉ lệ tử vong của đối tượng vừa cao huyết áp vừa bị bệnh tiểu đường cao, tùy theo cơ tạng và mức độ bệnh lý, gấp từ 2 đến 12 lần so với người tuy có bệnh tim mạch nhưng không vướng bệnh tiểu đường.
Ngay cả trong trường hợp may mắn vượt qua cơn thập tử nhất sinh, thời gian phục hồi của người “gánh” một lúc 2 bệnh bao giờ cũng bất lợi hơn người tuy đau tim nhưng không vướng bệnh tiểu đường. Người bệnh tiểu đường vì thế cần được theo dõi bệnh tim mạch thay vì chỉ tập trung vào đường huyết. Đi xa hơn nữa, chuyên gia bệnh tim mạch ở Mỹ đã phát hiện là không dưới 80% người bệnh tiểu đường có khuynh hướng thừa homocystein và troponin. Dễ hiểu vì với bệnh tiểu đường ai mà không stress?!