Sau một năm làm việc căng thẳng, Tết là cơ hội để mọi người có thể vui chơi, gặp gỡ, tụ tập, kèm theo là những buổi tiệc liên miên. Nếp sống và những món ăn tại các gia đình cũng thay đổi. Việc dùng các món ăn đặc trưng của Tết cũng như thức ăn lưu giữ lâu ngày trong tủ lạnh có thể gây bệnh cho mọi người, nhất là với trẻ nhỏ.
Sụt cân vì ăn, ngủ thất thường
Những ngày Tết là dịp trọng đại của các gia đình hay bạn bè quây quần thăm hỏi nhau nên giờ giấc sinh hoạt hằng ngày dù nhiều hay ít cũng bị đảo lộn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Nhiều bé ham chơi mà quên cả ăn, ngủ. Giờ giấc bữa ăn, giấc ngủ thay đổi dễ làm cho bé sụt cân. Nhiều gia đình thường chọn Tết tổ chức du lịch dài ngày để thay đổi không khí nên không thể nấu nướng hằng ngày, cho trẻ ăn những thức ăn nhanh hay chỉ uống sữa… sẽ khiến trẻ thiếu chất, sụt cân. Thức ăn mua ở ngoài không bảo đảm vệ sinh sẽ làm trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa. Cho nên, dù thế nào cũng nên duy trì chế độ dinh dưỡng và giấc ngủ đầy đủ cho trẻ.
Hen suyễn
Không khí lạnh mùa Tết làm cho tình trạng hen suyễn trở nặng. Để phòng những cơn hen bất thường, cha mẹ nên chú ý giữ ấm, cho trẻ tiếp xúc ngay với không khí ấm sau khi tắm. Hạn chế những yếu tố gây khởi phát cơn suyễn như các hóa chất gây mùi trong nhà, khói thuốc lá, không tiếp xúc với thú nuôi, khói bụi, giữ nhà cửa sạch sẽ, tránh những loại thức ăn trẻ dễ gây dị ứng như hải sản.
Tiêu chảy
Những loại bánh kẹo, đồ ngọt trong dịp Tết là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn E.coli, Shigella… phát triển và gây bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu như đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, kèm nôn và sốt cao, cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời. Tiêu chảy cấp nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thường dẫn đến biến chứng nguy hiểm, mất nước. Bổ sung nhiều nước cho trẻ, chú ý vẫn bảo đảm cung cấp chất đạm, chất béo và các vitamin. Bệnh này thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi.
Không cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt để hạn chế bệnh tiêu chảy cấp
trong những ngày Tết. Ảnh: INTERNET
Táo bón
Các món ăn ngày Tết thường ít rau và nhiều món giàu đạm, thêm vào đó là việc ăn uống không đúng bữa, ăn nhiều đồ lạ dễ dẫn đến táo bón. Táo bón thường xuất hiện ở trẻ từ 1-3 tuổi.
Khi phát hiện trẻ bị táo bón, cha mẹ nên điều chỉnh lại ngay chế độ ăn của trẻ. Cho uống nhiều nước và bổ sung rau trong bữa ăn, cho trẻ uống thêm men vi sinh trong những ngày Tết để hỗ trợ hệ tiêu hóa hấp thụ tốt hơn.
Ngộ độc thực phẩm
Các gia đình thường mua nhiều thực phẩm dự trữ trong nhà cho những cuộc tiệc tùng sum họp. Thực phẩm có thể không được bảo quản tốt dẫn đến bị nhiễm khuẩn, chứa nhiều độc tố. Quá trình nấu, chế biến không bảo đảm cũng là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng thức ăn không bảo đảm vệ sinh, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn cũ lưu trữ lâu ngày không đúng cách. Khi ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn, trẻ thường bị đau quặn bụng từng cơn, kèm theo tiêu chảy, nôn ói nhiều lần. Lúc này cho trẻ uống trà gừng nóng, ăn nhẹ, dùng dung dịch bù nước điện giải bị mất.
Nguy hiểm tiềm ẩn xung quanh
Tò mò và hiếu động nên trẻ rất dễ gặp nguy hiểm do té ngã, phỏng, điện giật hoặc bị các vật sắc nhọn đâm khi đang chạy nhảy hay nghịch phá những vật dụng xung quanh như đèn trang trí, ấm nước sôi, dao nĩa…
Đối với những gia đình có trẻ nhỏ, không nên ném vỏ hạt dưa, hạt bí xuống sàn nhà vì trẻ có thể nhặt và cho vào miệng; không cho trẻ chơi những viên bi nhỏ, hạt cườm hay ăn trái cây nếu chưa được bỏ hạt.
Để có một cái Tết vui vẻ trọn vẹn, cha mẹ hãy dành nhiều thời gian quan tâm đến con trẻ hơn, đồng thời trang bị cho bản thân một số kiến thức cơ bản cần thiết để bảo vệ trẻ trước những bệnh lý và tai nạn thường gặp trong những ngày này. Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện. Không nên tự cho trẻ uống thuốc mà không có hướng dẫn của bác sĩ.
Nghi Nguyễn tổng hợp