Thế giới ghi nhận hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người, mức độ lây lan ngày càng tăng. Việt Nam được coi là một "điểm nóng" với nhiều bệnh có thể gây đại dịch.
70% dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, sự biến đổi phức tạp của môi trường toàn cầu, các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi, đặc biệt là các bệnh lây truyền từ động vật sang người, là những mối đe dọa cho sức khỏe con người. Hơn 70% các bệnh truyền nhiễm ở người được phát hiện có nguồn gốc từ động vật.
Thống kê cho thấy có hàng trăm bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh hạch từ chuột, MERS-CoV từ lạc đà, Ebola được cho là từ loài khỉ, cúm gia cầm... Trước đó, thế giới đã ghi nhận nhiều bệnh lan truyền từ động vật sang người nhưng hiện nay, mức độ lây lan tăng lên, con người tiếp xúc nhiều với động vật, đặc biệt là động vật hoang dã. Các chuyên gia dịch tễ cho biết hàng loạt các loại virus cúm gia cầm nguy hiểm như H5N1, H5N6... đã làm cả thế giới e ngại có nguyên nhân lây bệnh từ các loài gia cầm như gà, vịt, ngan, các loài chim... Virus này được phát hiện lần đầu tiên tại Ý vào đầu thập niên 1900 và giờ đây phát hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, việc chẩn đoán bệnh mới nổi rất khó, vì thế giới không biết bệnh gì, từ đâu, điều trị như thế nào... như virus cúm gia cầm A/H5N1 hay SARS. Một số lại biến chủng, biến đổi, trước chỉ lưu hành bệnh trên động vật sau đó lây sang người, từ độc lực thấp sang độc lực cao...
Tiếp xúc gần với gia cầm, vật nuôi cũng làm tăng nguy cơ lây bệnh sang người. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Việt Nam là "điểm nóng"
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Việt Nam nằm trong khu vực được coi là "điểm nóng" của các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Các bệnh từ động vật từng được phát hiện từ thế kỷ trước vẫn lưu hành, ghi nhận nhiều ca mắc và xuất hiện các ổ dịch như: bệnh than (từ trâu, bò); bệnh dại (do virus từ chó dại), dịch hạch (mầm bệnh từ chuột)... Trong đó, mỗi năm, Việt Nam vẫn ghi nhận 30-100 ca tử vong do bệnh dại dù đã có vắc-xin.
Ông Phu cho rằng nguyên nhân là do người dân có tập quán chăn nuôi thủ công, nhỏ lẻ, nhà nào cũng nuôi gà, nuôi chó, thậm chí bò trâu ngay dưới nhà..., điều kiện vệ sinh rất kém, tập quán người dân ăn gỏi cá, ăn tiết canh, ăn gà chết, gà rù... Vì thế, nguy cơ xuất hiện các bệnh mới nổi rất nhiều. Có nhiều bệnh từ lâu không xuất hiện nhưng đến một lúc nào đó có thể bùng phát trở lại. Hiện thế giới ghi nhận hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người. Các dịch bệnh này là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng.
Cũng theo ông Phu, nguy hiểm của các bệnh có nguồn gốc từ động vật là khó phát hiện sớm bởi chúng là tác nhân mới gây bệnh trên người. Ngay cả khi phát hiện thì việc điều trị cũng khó khăn bởi chưa thể hiểu hết đặc tính, độc lực, các thuốc, hóa chất có thể tiêu diệt.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, cho biết việc ngăn chặn dịch bệnh cần sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên giữa các ban, ngành. Đặc biệt là ngành thú y cần phải kiểm soát tốt dịch bệnh từ gia súc, gia cầm sẽ hạn chế được bệnh lây sang người. Đồng thời, nông dân cũng cần chủ động thay đổi tập quán chăn nuôi, ăn uống thì mới tránh được nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm...
Theo giới chuyên môn, để ngăn chặn bệnh từ động vật sang người, cần loại bỏ các thói quen ăn sống, tái: tiết canh, nem ủ bằng thịt lợn sống (nhiễm liên cầu lợn); gỏi cá (gây sán lá gan ở người)...