Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống cúm gia cầm sáng 3-3, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cảnh báo nguy cơ nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 có thể bắt nguồn từ món khoái khẩu tiết canh, đặc biệt là thủy cầm (vịt, ngan).
Ổ bệnh trong bát tiết canh
Theo ông Long, nhiều người có sở thích ăn tiết canh nhưng trong bối cảnh nhiều dịch bệnh bùng phát như hiện nay, nhất là dịch cúm gia cầm thì đây được xem là nguồn lây bệnh cực kỳ nguy hiểm cho người.
PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho rằng tất cả loại tiết canh dù là dê, vịt, ngan, ngỗng hay heo… thực chất là máu sống và đều tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn… Ăn tiết canh vịt, tiết canh ngan cũng khiến người ăn mắc các bệnh về tụ cầu và dịch bệnh cúm A/H5N1, H6N1, H7N9. Đặc biệt, nếu ăn phải tiết canh heo đang mắc bệnh thì người ăn có nguy cơ mắc liên cầu khuẩn lợn, giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, trường hợp nặng có thể tử vong... “Nhiều người nói ăn tiết canh mát, bổ vì nó cung cấp chất sắt qua máu con vật nhưng thực ra, do ăn máu sống và thịt để nguội nên có cảm giác mát trong miệng. Tiết canh mang rất nhiều mầm bệnh, nhất là máu của các con heo, gà, vịt... đang bị nhiễm bệnh” - PGS Kính cảnh báo.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết năm nào cũng có hàng chục mạng sống được đánh đổi bằng bát tiết canh. “Trong Tết 2017, một người đàn ông 60 tuổi ở Nam Định đã bị cướp đi mạng sống sau khi ăn món khoái khẩu là một bát tiết canh. Sau khi ăn 2 ngày, ông này sốt cao, tiêu chảy và xuất hiện ban hoại tử trên da. Bệnh nhân khám tại bệnh viện tỉnh, sau đó chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Dù được điều trị tích cực nhưng người bệnh không qua khỏi.
Không mát, chẳng bổ
Bác sĩ Cấp cho biết liên cầu khuẩn lợn là vi khuẩn có thể có trong hầu, họng, da, đường tiêu hóa và sinh dục của một số heo lành nhưng thường gặp hơn ở heo bệnh. Thói quen ăn tiết canh hay những món chưa nấu chín như lòng, tràng luộc tái, thịt tái có thể khiến người ăn nhiễm liên cầu khuẩn lợn, đặc biệt ở những cơ địa suy giảm sức đề kháng như người nghiện rượu, xơ gan, đái tháo đường. “Người dân địa phương, nhất là các vùng quê, thường mổ heo và làm tiết canh mỗi khi “nhà có việc” vì cho rằng heo tự nuôi sẽ an toàn nên yên tâm ăn các món tái, gỏi, nem chua… nhưng thực tế, nhiều bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng “thập tử nhất sinh” hoặc “mất mạng” vì món ăn tái, sống này. Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Hà Nội khẳng định tiết canh không có tác dụng chữa bệnh và trong đông y cũng không coi đây là thực phẩm có tính mát. Tiết canh là máu tươi của gia súc như heo, ngan, vịt... Đây là dung dịch giàu protein, protit, đồng thời là chất lỏng nên là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Khi máu của động vật ra ngoài cơ thể, các vi khuẩn có trong môi trường đã có thể xâm nhập ngay. Chưa kể, trong quá trình cắt tiết, những vi khuẩn dính trong lông, da của con vật có thể trôi vào trong máu. Có không ít trường hợp ăn tiết canh nhiễm sán, giun. Một trong những ký sinh trùng hay gặp nhất là sán lá gan, giun móc, giun xoắn. Vì trong máu động vật thường có những ký sinh trùng này.
Theo giới chuyên môn, các con vật tự nuôi bằng thức ăn sạch chỉ có thể tránh được nguy cơ dùng hóa chất, chẳng hạn với heo có thể tránh được bột tăng trọng, chất tạo nạc, còn nguy cơ giun, sán không thể tránh nếu chúng được chế biến theo cách không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trứng và ấu trùng sán dây trong cơ thể heo thường giống như hạt gạo. Nó thường khu trú trong các bắp thịt heo (thịt nạc vai nhiều nhất), cả cơ mí mắt, óc, đặc biệt các “hạt gạo” tập trung chủ yếu ở phần nhiều gân và mỡ của heo. “Nếu người ăn phải kén sán chưa chết, dưới tác dụng của dịch vị dạ dày, ấu trùng thoát khỏi vỏ kén để phát triển thành sán trưởng thành ký sinh trong ruột non. Thời gian hoàn thành chu kỳ khoảng 5-7 tháng. Tuổi thọ của sán dây heo 20-30 năm, có thể rất lâu, tới 70 năm” - một bác sĩ về ký sinh trùng cảnh báo.