Từ sự việc 2 bệnh nhân liên tiếp bị sốc phản vệ sau gây mê và tử vong tại bệnh viện (BV) tư nhân Trí Đức (Hà Nội) mới đây, giới chuyên môn cho rằng sốc phản vệ có thể xảy ra với bất kỳ cuộc phẫu thuật, thủ thuật nào.
Sốc phản vệ do… thức ăn
Theo PGS-TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai - sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Nó có thể xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút tiếp xúc với một thứ gì đó bị dị ứng. Trước đây, một năm chỉ gặp một vài trường hợp sốc phản vệ nhưng hiện tại, tình trạng dị ứng, sốc phản vệ xảy ra nhiều hơn, diễn biến nguy hiểm hơn... do bệnh nhân sử dụng nhiều thiết bị y tế, sử dụng nhiều thuốc, chị em làm đẹp, nhu cầu cũng can thiệp nhiều hơn. Chẳng hạn, việc sử dụng thuốc gây mê, nhiều khi bệnh nhân dị ứng với thuốc gây mê sẽ gây sốc phản vệ, thậm chí nhân viên y tế chưa kịp can thiệp gì bệnh nhân đã tử vong. Ngoài những trường hợp sốc phản vệ do thuốc, đã có những trường hợp phản vệ do dị ứng thức ăn. Đơn cử, tại BV Bạch Mai đã từng tiếp nhận bệnh nhân bị sốc phản vệ và tử vong sau khi ăn một hạt lạc. “Chúng tôi cũng từng cấp cứu một trường hợp bệnh nhân rất hy hữu, bị dị ứng với dọc mùng trong bát bún. Được biết, bệnh nhân này thích ăn bún dọc mùng. Khi ăn dọc mùng lần 1, bệnh nhân thấy ngứa miệng và đến lần 2 thấy khó thở, co thắt như bị hen nặng. Bà chủ quán bún phải nhờ xe ôm đưa bệnh nhân này đến BV. Tuy nhiên, chưa đến BV thì bệnh nhân đã thiếu ôxy não, ngừng tim nên dù sau khi các bác sĩ cấp cứu tim đập trở lại nhưng não hỏng mất” - PGS Bình nói.
PGS Bình cho hay đa số trường hợp sốc phản vệ ngay lần đầu tiên, gặp nhiều trong đồ ăn, thức uống. Khi xảy ra sốc phản vệ chỉ cho phép xử lý cấp cứu trong vòng 10 giây, nếu chậm, bệnh nhân tử vong. “Biểu hiện sốc phản vệ cho đến bây giờ không có dấu hiệu báo trước. Các tình huống sốc phản vệ không chỉ xảy ra ở BV mà ở ngoài cộng đồng cũng rất nhiều. Ngay cả trong BV, có khi các bác sĩ chỉ cần tiêm chút thuốc mê thôi bệnh nhân cũng tử vong. Nhưng nếu y - bác sĩ biết đó là phản vệ mà kịp thời cấp cứu thì 80%-90% có thể thoát được. Đây là cái chết xảy ra không mong muốn, có thể xảy ra ở cả những người khỏe mạnh. Điều đó khiến gia đình bệnh nhân và dư luận xã hội vô cùng bức xúc” - PGS Bình nói.
Sẵn sàng cấp cứu
Đối với trường hợp sử dụng thuốc gây mê, PGS Bình cho biết nhiều khi bệnh nhân dị ứng với thuốc gây mê sẽ gây phản vệ, thậm chí nhân viên y tế chưa kịp can thiệp gì bệnh nhân đã tử vong. Mỗi loại thuốc gây mê có liều tối đa riêng. Nếu dùng liều quá thấp sẽ không đủ gây mê người bệnh, nếu dùng liều quá cao sẽ gây độc cho bệnh nhân. Đặc biệt, sử dụng thuốc gây mê chỉ an toàn khi được tiến hành bởi bác sĩ được đào tạo một cách bài bản về chuyên khoa gây mê hồi sức.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng Khoa Phẫu thuật Chỉnh hình hàm mặt BV Việt Nam - Cuba (Hà Nội), cho biết phẫu thuật nào cũng có nguy cơ tử vong do sốc phản vệ thuốc, máu, dù chỉ là tiểu phẫu như cắt amiđan hay truyền dịch, tiêm thuốc. Theo bác sĩ Thái, sốc phản vệ là nỗi ám ảnh rất lớn của các bác sĩ phẫu thuật, rất khó lường trước. “Bất cứ chất lạ nào đưa vào cơ thể cũng có thể gây ra sốc phản vệ, đặc biệt là sốc phản vệ do thuốc, chế phẩm máu, hóa chất. Có khi bệnh nhân mới chỉ được gây tê đã bị sốc phản vệ. Do đó, dù là tiểu phẫu hay đại phẫu, cơ sở y tế đều phải có sự chuẩn bị kỹ càng cho tình huống xấu nhất, đặc biệt là có phương tiện, trang thiết bị để cấp cứu khi có bệnh nhân sốc phản vệ. Đồng thời, đội ngũ y - bác sĩ cũng phải được đào tạo để nhuần nhuyễn các kỹ năng cấp cứu” - bác sĩ Thái cho biết.
Theo giới chuyên môn, không phải chỉ ở những tuyến cơ sở, xa xôi, hẻo lánh mà ngay cả những BV chuyên khoa, đầu ngành, tuyến trung ương, sốc phản vệ cũng xảy ra không ít. Nhiều trường hợp người bệnh có diễn tiến nặng nề hoặc tử vong. Trong truyền dịch hay tiêm thuốc, sốc phản vệ thường chuyển rất nhanh nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong. Vì thế các phương tiện cấp cứu luôn phải sẵn sàng. “Thời gian chỉ được tính bằng giây mà lúc xảy ra sốc phản vệ mới mở tủ thuốc, lấy thuốc, pha thuốc, bơm vào kim tiêm, tìm ven… thì đã quá muộn rồi” - bác sĩ Thái cảnh báo.
Bác sĩ Thái còn nhấn mạnh để hạn chế sốc phản vệ, các cơ sở y tế cần phải có sự kiểm tra trước khi tiêm, truyền thuốc, hóa chất hay chế phẩm máu cho bệnh nhân. Đồng thời, trước khi phẫu thuật, ê-kíp hồi sức cấp cứu phải thường trực, sẵn sàng để cấp cứu.