PGS-TS Trương Thanh Hương, Trưởng Đơn vị Tim mạch trẻ em Viện Tim mạch Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ngày càng nhiều bệnh nhân được phát hiện TAĐMP, tuy nhiên, phần lớn khi điều trị bệnh đã ở giai đoạn muộn. Theo PGS Hương, bệnh lý này có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào với tỉ lệ mắc bệnh nằm trong khoảng 2-25 người/triệu dân.
Tuy nhiên, do triệu chứng không điển hình và mơ hồ ở giai đoạn đầu nên 5 đối tượng có nguy cơ cao bị TAĐMP cần chủ động đến khám sớm để được sàng lọc, phát hiện bệnh sớm. Đó là người có tiền sử gia đình có người bị TAĐMP; bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh; bệnh nhân có bệnh hệ thống như xơ cứng bì, lupus ban đỏ; bệnh nhân có tiền sử tăng áp lực tĩnh mạch cửa, xơ gan và bệnh nhân nhiễm HIV.
Theo các bác sĩ, TAĐMP ở giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng đặc biệt hoặc rất nhẹ nên thường bị bỏ qua. Khi bộc lộ triệu chứng rõ ràng như: chóng mặt, khó thở, đánh trống ngực hoặc ngất xỉu, ho ra máu… tức là tình trạng bệnh đã khá nặng, tỉ lệ tử vong cao. Để chẩn đoán và điều trị TAĐMP, người bệnh nên đến cơ sở y tế, nhất là chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán đầy đủ và tìm ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Nếu được điều trị sớm người bệnh có thể sống trên 10 năm, tuy nhiên nếu phát hiện muộn thì thời gian sống trung bình có thể chỉ kéo dài khoảng 3 năm.