Không hiểu do vô tình hay cố ý, mà những công bố này được đưa ra ngay trước ngày mở bán chính thức của Apple Watch - mẫu đồng hồ thông minh (smartwatch) bán chạy nhất thị trường hiện nay, với doanh số 1 triệu máy chỉ trong ngày đầu tiên nhận đặt hàng online. Theo giới phân tích, lượng Apple Watch mà Apple bán được trong một ngày còn nhiều hơn cả smartwatch Android "cày cuốc" trong cả năm 2014.
Việc Google phải bày binh bố trận, gia cố lực lượng để phòng thủ là tất yếu. Một trong những giải pháp là giúp cho smartwatch chạy nền tảng Android Wear do Google phát triển ít bị lệ thuộc vào smartphone hơn (để so sánh, Apple Watch buộc phải ghép đôi với iPhone thì mới dùng được hết các tính năng chủ chốt).
Hiện tại, để sử dụng hầu hết các loại smartwatch, bạn cần phải kết nối nó với smartphone của mình và luôn để chúng gần nhau. Nhưng với Android Wear thế hệ mới, yêu cầu này không còn bắt buộc nữa. Thay vào đó, bạn sẽ có thể kết nối đồng hồ của mình với mạng Wi-Fi và nhận được các cập nhật về email cũng như lịch hẹn sắp tới, trực tiếp qua mạng Internet.
Tất nhiên, người dùng vẫn cần phải cài đặt để đồng hồ lấy thông tin từ điện thoại - và điện thoại cũng phải đang kết nối dữ liệu thông qua mạng không dây 3G/4G hoặc Wi-Fi. Nhưng sau khi cài đặt, bạn sẽ có thể nhận đầy đủ thông báo, gửi tin nhắn cũng như sử dụng các ứng dụng trên đồng hồ của mình, không cần biết điện thoại đang đặt ở đâu - trên bàn làm việc hay thậm chí ở nhà. Điều quan trọng: điện thoại và đồng hồ của bạn không nhất thiết phải kết nối vào cùng một mạng Wi-Fi.
Tính năng này ra mắt đúng vào thời điểm thị trường smartwatch bắt đầu nóng lên. Google công bố hệ điều hành Android Wear đã được hơn một năm, song phải đợi đến Apple Watch, sự quan tâm của người dùng dành cho smartwatch mới bắt đầu mặn mà. Nhiều hãng công nghệ đã nhảy vào cuộc chơi này như Samsung, LG, Sony, Motorola hay Pebble.
Cả Google lẫn Apple đều có nhiều lý do để đầu tư cho thiết bị đeo thông minh (wearable). Gần 20 triệu thiết bị wearable đã xuất xưởng trong năm ngoái, hãng nghiên cứu IDC cho biết. Hãng này dự đoán doanh số thị trường sẽ tăng vọt lên mức 45,7 triệu máy vào cuối năm nay và đạt 126,1 triệu chiếc vào năm 2019.
Dù vậy, Google vẫn đang trầy trật tìm kiếm chỗ đứng ở thị trường mới mẻ này. Android Wear mới nắm giữ được khoảng 16% thị phần, với những sản phẩm gây được chú ý như Motorola Moto 360, Samsung Gear Live... Nhưng ngay cả Samsung cũng đang thoát li dần khi tung ra Gear S, mẫu smartwatch sử dụng hệ điều hành riêng có tên Tizen. Điểm đặc biệt của Gear S là có thể kiêm nhiệm chức năng của điện thoại nhờ kết nối không dây độc lập.
Bên cạnh tính năng độc lập với smartphone thì Android Wear còn cho phép người dùng lưu trữ bài hát trong đồng hồ, đồng nghĩa với việc họ có thể nghe nhạc khi đang chạy bộ, kể cả khi không có kết nối Internet xung quanh. Bên cạnh đó, người dùng có thể đặt cho màn hình luôn bật - chẳng hạn như khi bạn leo núi, bản đồ sẽ luôn hiển thị trên màn hình. Để tiết kiệm pin, màn hình sẽ chuyển sang tông đen - trắng khi bạn nhìn sang chỗ khác.
Ngoài ra, Google cũng giới thiệu một tính năng rảnh tay mới, cho phép bạn lắc cổ tay sang trái và phải để chuyển trang trên màn hình đồng hồ. Bạn cũng có thể vẽ các emoji trên màn hình.
Những tính năng mới này sẽ xuất hiện đầu tiên trên mẫu đồng hồ LG Urbane - dù thời điểm lên kệ của Urbane chưa được công bố. Dù vậy, các thiết bị Android Wear sẽ không thể kết hợp với iPhone, bất chấp tin đồn trước đó về việc chúng sắp tương thích với nhau.