Nhiều model cao cấp nhưng có giá chỉ khoảng 5-8 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với giá bán chính hãng tại Việt Nam. Theo các chủ cửa hàng, có hai nhóm khách hàng tìm mua loại mặt hàng này, bao gồm những người mua chỉ quan tâm đến mức giá tốt và những người mua điện thoại "xài tạm" trong giai đoạn chờ iPhone 6.
Theo anh Lê Xuân Tình, chủ một cửa hàng di động tại quận 10, TP HCM, chiếc Galaxy J là model bán chạy nhất trong thời gian gần đây. Đây là một thiết bị "lai" giữa Galaxy Note 3 và Galaxy S4, cấu hình thuộc hàng khủng nhưng có giá mềm, chỉ tầm 8 triệu đồng. Model này cũng có phong cách thiết kế rất giống với iPhone 5C, với những đường viền nhựa màu sắc vuông vức bao quanh máy.
Galaxy J là mẫu di động xách tay ăn khách trong những ngày qua.
Galaxy J là một thiết bị được Samsung dành riêng cho thị trường Nhật Bản. Máy lên kệ từ tháng 12 năm ngoái, nhưng đến thời điểm hiện tại, các máy đã qua sử dụng song vẻ ngoài còn mới mới được xách tay về Việt Nam và trở thành một món hàng hot. Thiết bị này có màn hình 5 inch, độ phân giải Full-HD 1080p, công nghệ hiển thị Super AMOLED. Máy được trang bị chip Snapdragon 800 bốn nhân 2,3GHz, RAM 3GB và bộ nhớ trong 16GB. Galaxy J có camera chính 13 MP và thời lượng pin 2.600mAh.
Tương tự như Galaxy J, những chiếc Samsung Galaxy Note 3 và LG G2 của nhà mạng Docomo (Nhật Bản) cũng là hai model ăn khách hiện nay. Theo anh Nguyễn Trung Hiếu, chủ một cửa hàng trên đường An Dương Vương, Q.5, TP HCM, hai thiết bị này có cấu hình tương đương với hàng chính hãng quốc tế nhưng giá chỉ tầm 5-8 triệu đồng tùy tình trạng máy. "Nhiều khách đến đây mua để dùng 'lướt' đợi iPhone 6. Một số người cũng vừa bán điện thoại chung độ World Cup, không có máy xài nên cũng tìm mua điện thoại Nhật, Hàn cho rẻ", anh Hiếu cho biết.
Galaxy Note 3 Hàn Quốc (tên mã N9005) và Note 3 của nhà mạng Docomo xách tay về Việt Nam hiện đang có giá từ 8-10 triệu đồng.
Theo anh Hiếu, điện thoại xách tay từ Nhật Bản và Hàn Quốc có giá mềm hơn so với phiên bản quốc tế bán chính hãng nhưng cũng khó tính hơn. Máy được tích hợp nhiều ứng dụng dành riêng cho thị trường Nhật, Hàn, và phần mềm cũng không phù hợp để sử dụng tại Việt Nam. Do đó, các máy xách tay về Việt Nam đều được cài lại bản ROM cook được tùy biến lại từ bản ROM quốc tế, để có thể nghe gọi, nhắn tin bình thường và hoạt động ổn định hơn. Nhược điểm duy nhất là người dùng phải tự cập nhật firmware mới thủ công bằng các bản ROM mới hơn tải về từ Internet thay vì cài đặt trực tiếp thông qua OTA.
Một "đầu nậu" chuyên cung cấp điện thoại Hàn, Nhật cho các cửa hàng ở TP HCM chia sẻ, nhu cầu của khách đang tăng cao nhưng nguồn hàng vẫn khá dồi dào. Galaxy J, Galaxy Note 3 hay LG G2 Docomo đều là những model được bán từ cuối năm 2013 nên đến nay vẫn còn một số lượng lớn máy đã qua sử dụng, tồn kho hoặc cắt hợp đồng. Trong cả ba mẫu, Note 3 Hàn và Nhật là model có sức tiêu thụ thấp nhất. "Nhiều người không thích kích thước lớn của Note 3, cho nên hai chiếc G2 và Galaxy J vẫn được đặt mua nhiều hơn", anh này cho biết.
Trái ngược với cảnh nhộn nhịp của điện thoại Hàn, Nhật xách tay, iPhone 5S đang là mặt hàng có tốc độ bán chậm. Nhiều chủ cửa hàng ở TP HCM cho biết họ chỉ còn bán được vài máy mỗi ngày vì phần đông người dùng iPhone đang chờ đợi iPhone 6. "Khách mua iPhone 5S những ngày gần đây đa phần chọn máy lock nhờ giá thấp hoặc các model cũ như iPhone 5, 4S. Chỉ còn một số ít khách hàng mua iPhone 5S mới do không thích kiểu dáng của iPhone 6", anh Nguyễn Minh Hưng, chủ một cửa hàng điện thoại trên đường Trần Phú, Q.5, TP HCM, cho biết.