Đây là giai đoạn trẻ cần nhu cầu dinh dưỡng cao và đang tập thích nghi với môi trường xung quanh, rất nhạy cảm với bệnh tật. Suy dinh dưỡng là sự thiết hụt các dưỡng chất cần thiết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tăng trưởng thể chất và trí tuệ của trẻ.
Nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị suy dinh dưỡng là chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng hoặc thể trạng gặp vấn đề khó hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn, dẫn đến biếng ăn, chậm lớn và suy dinh dưỡng. Biểu hiện dễ nhận thấy ở trẻ suy dinh dưỡng là bé không tăng cân hoặc tụt giảm 5%-10% so với trọng lượng cơ thể trong vòng 3-6 tháng; teo mỡ ở cánh tay, thịt nhão; mất lớp mỡ dưới da bụng; da xanh, tóc thưa rụng, dễ gãy; ăn kém, hay bị rối loạn tiêu hóa, bụng to dần. Trẻ suy dinh dưỡng dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp và đường ruột. Trẻ bị phát triển chậm hệ cơ xương, ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao, thể chất và cả trí thông minh. Những trẻ suy dinh dưỡng thường chậm chạp, giảm lanh lợi và khả năng thành công thấp hơn khi trưởng thành.
Tùy vào mức độ nặng nhẹ để phụ huynh xin ý kiến từ phía các chuyên gia dinh dưỡng. Cách điều trị nhanh nhất đó là điều chỉnh chế độ ăn uống. Các thực phẩm cần tăng cường cho bé như gạo, khoai tây, thịt gà, heo, bò, tôm, cua, cá, trứng, các loại rau xanh và quả chín. Tăng hàm lượng dinh dưỡng vào bữa ăn của trẻ, tăng số bữa ăn hằng ngày, bổ sung thêm sữa công thức cho trẻ thấp còi suy dinh dưỡng hoặc các loại thuốc bổ, vitamin tổng hợp, men tiêu hóa nhưng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Các biện pháp ngăn ngừa suy dinh dưỡng trẻ, đối với trẻ bú mẹ, nên duy trì tới 18-24 tháng, nếu mẹ không đủ sữa có thể thay thế bằng nguồn sữa phù hợp. Chế độ dinh dưỡng hợp lý và vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm, đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính. Chọn thực phẩm tươi mới, nguồn gốc rõ ràng. Theo dõi cân nặng và chiều cao của bé hằng tháng để phát hiện và ngăn ngừa kịp thời nguy cơ suy dinh dưỡng. Không lạm dụng kháng sinh khi điều trị bệnh cho trẻ, chỉ dùng khi có khuyến cáo của bác sĩ. Tiêm chủng và xổ giun định kỳ cho bé.