La Dalat là xe hơi đầu tiên được sản xuất ở miền nam Việt Nam do hãng Citroën của Pháp thực hiện. Loại xe này được chế tạo năm 1969 và tung ra thị trường vào năm 1970, dành riêng cho người Việt. Nó ít tốn xăng, dễ sửa chữa và thay thế phụ tùng.
Trên đường phố Sài Gòn những năm 1970-1975, bóng dáng chiếc xe mạnh mẽ, với màu xanh nhạt đặc trưng của La Dalat khiến nhiều người dễ dàng nhận ra, thích thú. Xe tiện dụng, rẻ lại mang thương hiệu Việt là lý do nhiều người chọn mua.
Theo tư liệu, giai đoạn 1936-1960, những dòng xe như 2CV rồi Dyane 6 hay Méhari được hãng Citroën đưa vào Việt Nam phục vụ các sĩ quan Pháp cùng tầng lớp thượng lưu. Nhưng đến giữa thập niên 1960, hãng này nghĩ đến việc chế một chiếc xe hơi ngay tại Việt Nam và dành riêng cho người Việt khi chịu sức ép cạnh tranh bởi các hãng xe máy nổi tiếng. Citroën mong muốn cho ra đời một chiếc xe hữu dụng nhưng giá rẻ.
Xuất phát từ nhu cầu này, chiếc La Dalat (lấy tên thành phố Đà Lạt) được thai nghén dựa theo mẫu mã của chiếc Méhari và Baby Brousse rất thành công ở các thuộc địa cũ của Pháp. La Dalat được thiết kế với 4 kiểu dáng khác nhau gồm những bộ phận quan trọng được nhập từ Pháp như động cơ, hệ thống tay lái, bộ nhún, bộ thắng...
Tất cả chi tiết, bộ phận còn lại gồm đèn, kèn báo hiệu, ghế nệm, dàn đồng đóng bằng tôn, mui xe bằng lá thép uốn hoặc vải… được sản xuất ngay tại Công ty Xe hơi Saigon đặt ở góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ, hiện là Caféteria Rex. Vào cuối thập niên 60, đây là dấu ấn quan trọng, đặt nền móng cho ngành sản xuất ôtô của Việt Nam.
Hãng xe Citroën tập trung vào khách hàng bình dân Việt Nam nên La Dalat có những đặc tính như ít tốn nhiên liệu, dễ sửa chữa, dễ thay thế phụ tùng. Đặc biệt, các bộ phận như cánh cửa, kiếng xe... đều có thể "tự chế" từ những xưởng cơ khí thủ công rẻ tiền. Do chế tạo thủ công nên hình dáng xe thô kệch, không bắt mắt nhưng đây không phải là vấn đề quan trọng đối với khách hàng bình dân thời đó.
La DaLat dùng động cơ 4 thì, 602 phân khối, 31 mã lực, 2 xi-lanh đối ở 2 đầu nằm dẹp. Xe có hộp 4 số tay, truyền động trục bánh trước. Trọng lượng xe đầu tiên là khoảng từ 480 đến 590 kg (tùy theo kiểu), kiểu xe thùng nặng 770 kg.
Trong giai đoạn 1970 đến 1975, hãng xe Citroën sản xuất hơn 5.000 chiếc La Dalat, tức là khoảng 1.000 chiếc mỗi năm. Dù số lượng sản xuất khá nhỏ khi năm 1970 riêng Nhật Bản đã sản xuất 4,1 triệu ôtô các loại, song Citroën cho rằng La Dalat là thiết kế phù hợp với thị trường những nước nghèo.
Điều quan trọng, tỷ lệ các bộ phận nội địa hóa của La Dalat khi xuất hiện đạt đến 25%. Năm 1975, tỉ lệ này nâng lên 40%. Có tất cả là 4 kiểu La Dalat gồm loại 4 hoặc 2 chỗ ngồi với thùng chở hàng.
Năm 1973, ngạc nhiên với thành công của La Dalat, Citroën đã sang Việt Nam lấy 3 chiếc về Pháp để phân tích. Từ đó họ cho ra đời kiểu khung xe dễ sản xuất mà không đòi hỏi đầu tư nhiều công nghệ như chiếc Baby Brousse mui trần thế hệ thứ hai hay chiếc FAF.
Sau này, tuy xe không còn sản xuất nữa nhưng thương hiệu La Dalat vẫn không phai trong lòng người yêu xe, đặc biệt là những người mê xe cổ. Tại TP HCM, còn vài người đang sở hữu những chiếc La Dalat này. Theo các nhà sưu tập, kiểu dáng, động cơ của các dòng xe hiện đại ngày nay ăn đứt La Dalat nhưng dòng xe này vẫn có một chỗ đứng vững chắc trong lòng những người yêu xe cổ bởi nó mang thương hiệu Việt.
Ông Phan Huy, chủ một chiếc La Dalat, cho biết máy móc còn tốt và xe của ông vẫn chạy ngon lành trên đường phố. Theo ông, xe La Dalat ít hỏng hóc, dễ sửa chữa lại nhẹ, tiện lợi. Chiếc xe hiện tại được ông Huy mua tại Đà Lạt khi tình cờ phát hiện nằm hoang phế trong một kho đồ cũ.
"La Dalat là chiếc xe có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất mà tôi biết và có thể gọi nó là made in Việt Nam. Tôi rất tự hào về một dòng xe mang thương hiệu của người Việt, có cái tên cũng rất Việt về một vùng đất nổi tiếng – Đà Lạt" - ông Huy nói.
Ở miền Bắc Việt Nam, năm 1958 nhà máy Chiến Thắng (Hà Nội) đã cho ra đời chiếc ôtô 4 chỗ ngồi đầu tiên do người Việt Nam tự chế tạo. Ôtô lấy mẫu từ chiếc Fregate chạy bằng xăng của Pháp. Ngày 21/12/1958, chiếc xe Chiến Thắng chính thức rời xưởng chạy thử thành công.
Tuy ra đời trước 10 năm nhưng do điều kiện chiến tranh ở miền Bắc nên xe Chiến Thắng không được sản xuất hàng loạt như La Dalat nên ít người biết tới.