Theo nghiên cứu công bố hôm 23-2 của tổ chức Oxfam, đất nước với dân số 250 triệu người có tỉ lệ chênh lệch giàu - nghèo đứng thứ 6 trên thế giới, bất chấp việc Tổng thống Joko Widodo nhiều lần tuyên bố sẽ chiến đấu chống lại tình trạng bất bình đẳng "nguy hiểm" này. Số lượng tỉ phú USD của Indonesia đã tăng từ 1 người trong năm 2002 lên 20 người trong năm 2016.
Oxfam cho biết 4 người giàu nhất Indonesia, đứng đầu là 2 anh em Budi và Michael Hartono, nắm trong tay 25 tỉ USD, tương đương với số tài sản của 40% những người nghèo nhất trong 250 triệu dân. Theo phân tích của Oxfam, lợi nhuận mà anh em Hartonos kiếm được trong 1 năm đủ để xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực ở Indonesia.
"Tăng trưởng kinh tế đã phát triển ở Indonesia kể từ năm 2000. Tuy nhiên, lợi ích của việc tăng trưởng không được phân chia đồng đều và hàng triệu người đã bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là phụ nữ" - báo cáo của Oxfam viết.
Khoảng cách giàu - nghèo ở Indonesia đang ngày càng tồi tệ. Ảnh: Barcroft Images
Mặc dù GDP của Indonesia tăng nhanh chóng giúp nước này được xếp vào nhóm các quốc gia đang phát triển nhanh, "việc xóa đói giảm nghèo đã chậm đến mức gần như bế tắc". Nếu dựa theo chuẩn nghèo "vừa phải" của Ngân hàng Thế giới, có khoảng 93 triệu người dân Indonesia đang phải sống cơ cực.
"Khi số lượng triệu phú và tỉ phú ngày càng tăng trong bối cảnh tình trạng nghèo khó đang tràn lan, có thể khẳng định rằng những người giàu có đang nắm phần lớn lợi ích trong nền kinh tế được ca tụng của Indonesia trong khi hàng triệu người nghèo khác bị bỏ lại phía sau" - trích nghiên cứu của Oxfam.
Khi đắc cử vào năm 2014, Tổng thống Widodo đã cam kết ưu tiên thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo thay vì theo đuổi sự tăng trưởng. "Tăng trưởng kinh tế rất quan trọng với chính quyền, với người dân của tôi nhưng việc thu hẹp sự bất bình đẳng còn hệ trọng hơn. Khi chúng tôi mời gọi các nhà đầu tư, họ phải đem lại lợi ích cho người dân và đất nước này" - ông Widodo nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg sau khi đắc cử.
Vào tháng 1, ông Widodo thừa nhận rằng Indonesia hầu như tiến bộ rất ít trong việc tái cân bằng xã hội và thề sẽ đưa việc thu hẹp khoảng cách vào ưu tiên hàng đầu trong năm 2017.