Nhìn sơ lược, trong 15 startup hàng đầu nước này, thương mại điện tử vẫn chiếm đa số với hơn 50% các dự án, theo sau là Go-Jek và các công ty công nghệ tài chính. Vậy, liệu có tương lai nào cho các công ty khởi nghiệp nông nghiệp, cái gốc của kinh tế Indonesia hay không?
Cybreed – một startup của Indonesia cho ra đời sản phẩm eFisheries: một hệ thống các cảm ứng theo dõi chuyển động và đo “độ đói” của cá để cho ăn vừa đủ và kịp thời.
Đem nông nghiệp đến với mọi nhà
Tính riêng ngư nghiệp, chăn nuôi và trồng trọt của Indonesia trong năm 2015 chiếm 12% tổng GDP cả nước; so với Việt Nam, con số đó là 17% GDP cho nông lâm nghiệp. Indonesia có một bất lợi lớn so với Việt Nam là diện tích tuy lớn, nhưng có nhiều đảo, dẫn đến diện tích canh tác bị chia nhỏ và mức độ thâm nhập công nghệ và dịch vụ cơ bản chậm hơn.
So cụ thể, tỷ lệ người dân được tiếp cận với internet của Indonesia là 20%, so với 52% của Việt Nam trong năm 2016. Số người dân sử dụng smartphone ở Việt Nam cũng cao hơn Indonesia, 35% tổng dân số so với 21% của quốc gia vạn đảo này.
Vậy mà, Indonesia lại có thể “mặc kệ” những khó khăn đó và xây dựng được hai startup về nông nghiệp “hot” nhất Đông Nam Á hiện nay: IGrow và Cybreed.
Cybreed là công ty đầu tiên tại Đông Nam Á thành công trong việc đem mô hình nuôi cá công nghệ cao áp dụng ở quy mô lớn. Indonesia có hơn 2,7 triệu trại cá và với cách nuôi thông thường, chi phí đồ ăn cho cá luôn chiếm khoảng 65% chi phí sản xuất, dẫn đến giá cá tăng cao, kém hấp dẫn và nhiều tác động gây hại tới môi trường do tàn dư từ thức ăn.
Cybreed cho ra đời sản phẩm eFisheries: một hệ thống các cảm ứng theo dõi chuyển động và đo “độ đói” của cá để cho ăn vừa đủ và kịp thời. Thành lập từ năm 2009, cho đến nay, Cybreed đã và đang hỗ trợ hơn 17.000 hộ nông dân nuôi cá và tôm, giúp họ giảm 21% lượng thức ăn tiêu tốn. Chủ các trại thuỷ sản có thể theo dõi hoạt động sản xuất của cơ sở mình trên điện thoại, thông qua ứng dụng của Cybreed.
Tuy nhiên, chính IGrow mới là “người trong mộng” số một của các quỹ đầu tư nông nghiệp. Ra đời từ năm 2014, IGrow hiện thực hoá trò chơi ăn khách trên di động Farmville bằng cách: Tập hợp các hộ nông dân có sẵn đất mà băn khoăn không biết trồng gì, kết nối họ với người tiêu dùng có nhu cầu đầu tư trồng rau củ, cây ăn trái lâu dài.
Người tiêu dùng được biết IGrow hiện có bao nhiêu gốc cây các loại (bơ, dừa, dầu cọ, nhãn…) và chọn mua số lượng loại cây mình thích, để đầu tư. Người nông dân, sau khi nhận đuọc “tiền đầu tư”, sẽ canh tác theo quy trình yêu cầu của IGrow nhằm đạt chất lượng cùng sản lượng. Sau khi thu hoạch, trừ đi phần người tiêu dùng muốn dành cho nhu cầu sử dụng cá nhân, phần còn lại sẽ được IGrow hỗ trợ bán và tiền thu được sẽ chảy vào túi người tiêu dùng.
Mô hình này đã giúp IGrow trong hai năm qua đem lại việc làm cho hơn 2.200 hộ nông dân và biến 1.200ha đất bỏ hoang trở thành các mảnh vườn màu mỡ. Hiện tại, IGrow, sau khi nhận được đầu tư từ 500 startup và East Venture, có kế hoạch mở rộng sang Thổ Nhĩ Kỳ để tập trung trồng và sản xuất dầu ôliu.
Việt Nam và những nỗ lực không ngừng
Cybreed và IGrow là hai trong số những startup có thể đạt tới tầm trăm triệu đô nhất của Indonesia. Nhìn lại Việt Nam, không khó để tìm thấy những nỗ lực tương tự. Alpha Leapers, một trong những quỹ startup trẻ tuổi đã thực hiện dự án phần cứng công nghệ cao cho nông nghiệp từ đầu năm 2015.
Sản phẩm đầu tay đang thử nghiệm của họ là thiết bị “cảm thụ” nước: một thiết bị hình cầu bằng vật liệu không gỉ sét, bên trong có gắn 4 – 6 thanh cảm biến để đo các yếu tố khác nhau, như nhiệt độ, độ pH… của các trang trại cá.
Thông tin đó sẽ được chuyển lên “mây” và về máy chủ phân tích của công ty, trước khi truyền tải đến điện thoại của chủ các cơ sở sản xuất. Cho đến nay, dự án này đã chạy thử nghiệm được ba tháng tại một số trang trại của các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Bên cạnh đó, một số dự án khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao khác cũng đang dần tiến ra thị trường như dự án “Máng ăn cho heo tự động” vừa đạt giải nhì của cuộc thi “Dự án khởi nghiệp 2016” do anh Phạm Minh Công lập ra.
Tương tự như ý tưởng của Cybreed, dự án này cũng đánh vào bài toán lãng phí thức ăn, dẫn đến việc heo ăn không khoa học, giảm lợi nhuận của trang trại, giảm chất lượng thịt gia súc, và tăng tác hại lên môi trường.
Đây là một trong những dự án, tuy không đạt giải nhất, nhưng có khả năng nhân rộng cực nhanh và giúp tạo ra sự khác biệt nhanh chóng cho nông dân.
Chạy song song với các dự án nông nghiệp là các startup hỗ trợ cho nông dân gián tiếp, như dự án của 360 Group: một nhóm các chuyên trang thông tin về nông nghiệp, sức khoẻ, dinh dưỡng và lối sống.
Hiện tại 360 đang có hai trang tập trung về lối sống chung (360 Life) và cộng đồng chia sẻ các clip hấp dẫn về kiến thức thực phẩm (360 Food).
Mong muốn định hình lại nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và hiểu biết về nông sản địa phương của người Việt Nam, trong năm 2017, 360 Group sẽ đẩy mạnh mảng nội dung video ngắn về thường thức trong nông nghiệp, để tạo một thư viện tương tác cho giới trẻ và tầng lớp trung lưu Việt Nam hiểu hơn về nguồn gốc, cách sản xuất, cách phân biệt và cách sử dụng nông sản Việt Nam.
Indonesia có thể đi trước Việt Nam một bước là nhờ vào sự hỗ trợ của chính phủ nước này; họ nhìn thấy hiểm hoạ về an ninh lương thực, cũng như nhu cầu về đời sống tăng cao của người dân. Chính vì vậy, họ ưu tiên giải quyết hai vấn đề cốt lõi của nền kinh tế và ổn định xã hội như trên.
Việt Nam cũng đang ở trong giai đoạn cực kỳ cần những sự hỗ trợ tương tự, để người dân có thể trồng, ăn và xuất khẩu gạo sạch. Không biết bao giờ đại chúng Việt Nam mới có thể ăn được gạo Tâm Việt và Cỏ May đây?