Giá xe cao ngất ngưởng
Thu nhập bình quân đầu người chưa nổi 2.000 USD/năm, vẫn thuộc diện nước nghèo, thế nhưng Việt Nam lại đang là quốc gia có giá xe hơi thuộc vào loại đắt nhất thế giới, gấp hơn hai lần so với các nước phát triển và khoảng 1,5 lần so với các nước trong khu vực.
Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ người tiêu dùng Việt Nam đang phải trả đắt gấp 3 lần so với các nước phát triển như Mỹ, gấp 1,5 lần Thái Lan, Indonesia cho một chiếc xe tương đương là vì cho đến lúc này, toàn bộ thị trường vẫn bị chi phối bởi các nhà sản xuất ôtô nước ngoài hoặc các liên doanh với nước ngoài mà không có đối trọng từ bất cứ nhà sản xuất nội địa nào, hay mức giá cạnh tranh nào từ các sản phẩm nhập ngoại.
Thêm vào đó là chính sách thuế rất cao của Chính phủ áp cho mặt hàng này. Người dân Việt Nam muốn sở hữu một chiếc ôtô, họ phải trả cho chiếc xe ấy rất nhiều loại thuế và phí. Chính bởi gánh nặng thuế và phí hiện nay mà người tiêu dùng Việt Nam, với mức thu nhập rất khiêm tốn, song nếu muốn có một chiếc xe hơi "hạng trung”, họ phải trả giá cho chiếc xe đó với mức tiền cao gấp 3 lần mức giá thế giới đối với chiếc xe cùng loại.
“Phát sốt” với tiền “nuôi” xe
Mua ôtô với phần lớn các gia đình Việt đã khó, có xe rồi “nuôi” xe còn khó hơn. Trung bình, để sử dụng một chiếc xe hơi, một người Việt phải bỏ chi phí “nuôi” xe từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng.
Đầu tiên là phí gửi xe. Nhẩm tính nhanh, một người vừa phải gửi xe tháng ở gần nhà và cơ quan sẽ phải tốn trung bình 3-5 triệu đồng/tháng chỉ cho việc gửi xe. Đó là chưa tính tới chi phí phát sinh khi đi gửi xe lẻ mỗi khi đi ăn uống, vui chơi hay mua sắm.
Ngoài chi phí cho việc gửi xe, người sử dụng ôtô lại phải thêm tiền triệu cho chi phí nuôi xe vì giá xăng chỉ có tăng chứ không hề giảm. Với mức tăng vài nghìn đồng/lít, nhưng mỗi lần tăng giá, chi phí cho xe “uống xăng” đội lên từ vài trăm tới vài triệu đồng/tháng. Với giá xăng liên tục tăng như hiện nay, nếu một xe trung bình tháng đi 2.000 km sẽ mất khoảng 4,5 – 6 triệu đồng tiền xăng.
Với mức chi dè dặt nhất cho một chiếc xe bình dân thì mỗi tháng cũng phải tiêu tốn khoảng 10 triệu đồng (120 triệu đồng/năm), ngoài ra còn có hàng loạt các khoản chi phí phát sinh mà các chủ xe không thể lường trước, như: xe bị va quệt, mất cắp phụ tùng, đền bù thiệt hại, tiền phạt vì vi phạm giao thông…
Các chuyên gia tư vấn tài chính khuyến cáo, chi phí hàng tháng cho một chiếc xe cá nhân chỉ nên dừng ở mức 20% tổng thu nhập hàng tháng của chủ xe. Bởi với mức chi này thì người sở hữu xe hơi mới có thể đảm bảo các chi tiêu sinh hoạt khác cho cá nhân và gia đình. Điều này có nghĩa rằng, chi phí trung bình của xe hơi hiện nay là 10 triệu đồng/tháng thì mức thu nhập hàng tháng của bạn phải là 50 triệu đồng thì mới nên mua xe hơi.
Nếu tính theo mức thu nhập trên thì đại đa phần người dân Việt không “đủ sức” mua xe và nuôi xe.
Ô tô chỉ dành cho người giàu
Để hạn chế phương tiện cá nhân (cụ thể ở đây là ôtô) do hạ tầng ở các đô thị lớn chưa thể đáp ứng nổi, các nhà hoạch định chính sách liên tục đưa ra những giải pháp như tăng thuế đánh trực tiếp vào giá xe, tăng phí sử dụng (phí đường bộ, môi trường, phí đăng ký…)
Mới đây, Hà Nội còn tính đến phương án cấp hạn ngạch cho người dân mua ôtô. Cụ thể, trên cơ sở tính toán phù hợp với sự phát triển kết cấu hạ tầng ở Hà Nội, sẽ cấp một số lượng hạn ngạch nhất định; sau đó tổ chức đấu giá quyền mua xe. Những ai trả giá cao nhất sẽ được quyền mua.
Như vậy, việc này cũng có nghĩa là sẽ hạn chế khả năng mua xe của đa số người dân. Chỉ những người giàu có, nhiều tiền, mới có điều kiện sở hữu ôtô.
Thực tế, với thuế phí như hiện nay, tầng lớp người giàu Việt Nam vẫn mua xe sang, siêu xe tăng mạnh nhất khu vực. Vậy nên, nếu thêm 1 khoản phí mua hạn ngạch mua ô tô chắc cũng không ảnh hưởng gì. Ngược lại, với tầng lớp bình dân, người nghèo... thì việc mua ôtô giá rẻ còn khó, nếu thêm khoản phí nữa thì ô tô mãi mãi xa vời.