Năm 2021 và 9 tháng năm 2022, qua thanh tra, kiểm tra của BHXH Việt Nam, đã thu hồi hơn 4.383 tỉ đồng tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHYT; phát hiện hàng chục ngàn người lao động (NLĐ) chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ, buộc doanh nghiệp (DN) phải đóng bổ sung.
Phối hợp với ngành chức năng
Thời gian qua, phối hợp với cơ quan thuế từ cấp trung ương tới địa phương, thông qua dữ liệu thuế, BHXH đã rà soát số DN, số lao động, các khoản chi cho NLĐ để đối chiếu với dữ liệu tham gia BHXH, BHYT. Qua sự phối hợp này, ngành BHXH đã phát hiện nhiều trường hợp chưa đóng, đóng thiếu lao động, thiếu mức đóng BHXH, BHYT... BHXH Việt Nam luôn chủ động phối hợp với các sở ngành địa phương để theo dõi hoạt động của DN. Một số trường hợp DN nợ BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan BHXH phối hợp với cấp ngành liên quan để có giải pháp tạm dừng xuất cảnh với chủ DN người nước ngoài.
Đến hết năm 2021 số DN giải thể, phá sản, vắng chủ đang nợ BHXH, BHYT, BHTN trên 3.200 tỉ đồng. Cơ quan BHXH đã rà soát và xác định rõ hồ sơ của đa số NLĐ bị nợ tiền BHXH, BHTN, BHYT, sẵn sàng chốt sổ BHXH để giải quyết quyền lợi. BHXH Việt Nam cũng đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phương án tạm thời chốt phần NLĐ đã được đóng đầy đủ để giải quyết chế độ BHXH, hưu trí. Sau này, khi có giải pháp cho phần còn nợ sẽ thanh toán truy lĩnh bổ sung. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cơ bản đồng ý với đề xuất trên. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đánh giá việc xác định được số lượng NLĐ, số nợ BHXH, BHYT, BHTN như trên là nỗ lực rất lớn của ngành BHXH.
Cơ quan BHXH đã triển khai nhiều giải pháp giải quyết doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động
Theo ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, điều 216 Bộ Luật Hình sự quy định về tội "Cố tình trốn đóng BHXH", đây là căn cứ để BHXH củng cố chứng cứ và chuyển hơn 300 hồ sơ sang cơ quan công an. Khi cơ quan công an mời DN lên làm việc, một số đơn vị đã khắc phục số nợ nên không điều tra hoặc khởi tố nữa; một số hồ sơ còn lại chưa đủ yếu tố cấu thành tội hình sự nên cơ quan điều tra cũng trả lại. Vướng mắc hiện nay là xác định thế nào là hành vi cố tình trốn đóng BHXH, vì DN giải thích là chưa đóng, chứ không phải trốn, khi cơ quan điều tra vào cuộc thì họ đã đóng đầy đủ.
Tăng cường giải pháp tăng thu, giảm nợ
Tại nhiều địa phương, bên cạnh việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan BHXH địa phương cũng rốt ráo thu hồi nợ. Đơn cử, tại TP HCM, tình trạng nợ BHXH, BHYT đang diễn ra khá nhiều. Số đơn vị, số DN nợ từ 1 tháng trở lên gần 48.700, chiếm 47,47%. Hiện các ngành chức năng đang tăng cường phối hợp với cơ quan BHXH để giám sát các DN nợ BHXH, có phương án giải quyết để bảo đảm quyền lợi NLĐ…
Với quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, BHXH Việt Nam vừa ban hành các công văn gửi BHXH các tỉnh, thành về việc tăng cường các giải pháp thực hiện, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN và phát triển người tham gia BHXH, BHYT những tháng cuối năm 2022. Về công tác thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, ngoài việc báo cáo tỉnh ủy, UBND tỉnh về tình trạng chậm đóng của các DN, BHXH các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động của tổ thu nợ liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện; phân công cán bộ bám sát tình hình hoạt động của DN để đôn đốc đóng đủ, không để phát sinh số tiền chậm đóng mới.
Đối với DN chậm đóng từ 3 tháng trở lên, cần tăng cường thanh tra chuyên ngành, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính, ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đã được quy định. Đối với DN cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ, cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời với cơ quan công an trong việc điều tra, xử lý đối với DN và các ngành chức năng để đề xuất UBND tỉnh những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN tại các DN nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.