Trang tin MNT dẫn những nghiên cứu gần đây nhằm khắc phục hiện tượng rụng tóc ở phụ nữ, đồng thời nhắc lại một số nguyên nhân gây rụng tóc cũng như những khác biệt trong chứng hói đầu ở nam và nữ.
Nguyên nhân phổ biến là do di truyền
Nguyên nhân gây rụng tóc phổ biến nhất ở cả nam và nữ giới là do chứng bệnh di truyền tên gọi androgenetic alopecia - vốn do dạng hormone nội sinh có tên là dihydrotestosterone (DHT) chi phối và có xuất xứ từ hormone sinh dục nam testosterone. Một enzyme tên gọi Type 2 5-alpha reductase - hiện diện bên trong tuyến nhờn của nang tóc và các cơ quan trên da thúc đẩy mọc tóc - chuyển testosterone thành DHT. Sự chuyển đổi này làm nang tóc co lại, giết chết sợi tóc khỏe. Vì đàn ông có mức độ testosterone cao hơn phụ nữ nên DHT được sản sinh nhiều hơn, khiến tóc rụng nhiều hơn và thường bị hói, so với phụ nữ thường có tóc thưa và sợi tóc mịn hơn ở đỉnh và hai bên đầu.
Tuy nhiên, androgenetic alopecia không là nguyên nhân duy nhất khiến nữ giới rụng tóc. Bệnh Telogen effluvium là dạng rụng tóc có thể xảy ra do tình trạng căng thẳng cao, sinh nở, suy dinh dưỡng hoặc phẫu thuật lớn. Một số yếu tố cũng có thể kích hoạt bệnh này như thiếu sắt hoặc thay đổi việc sử dụng thuốc. TS Shani Francis thuộc Viện Hàn lâm Da liễu Mỹ giải thích: “Những yếu tố kích hoạt Telogen effluvium thường tác động tới nữ giới nhiều hơn nam giới do kinh nguyệt gây thiếu sắt ở phụ nữ cũng như phụ nữ có thể thường thay đổi thuốc hơn nam giới, nhất là thuốc phòng tránh thai.
Traction alopecia cũng là dạng rụng tóc thường xảy ra hơn ở phụ nữ so với nam giới và thường do nang tóc bị chấn động trong trường hợp tóc hay bị kéo căng khi làm kiểu tóc như kết bện tóc, cuốn tóc... Một nguyên nhân khác cũng gây rụng tóc phổ biến ở cả nam và nữ giới là bệnh alopecia areata - một chứng bệnh ở hệ miễn dịch và là bệnh di truyền với khoảng 1/5 trong số người bị bệnh này có thân nhân cùng bị. Bệnh alopecia areata xảy ra do hệ miễn dịch tấn công sai lầm vào tế bào ở nang tóc dẫn tới rụng tóc thành những mảng nhỏ, trong nhiều trường hợp, bệnh có thể dẫn đến hói đầu.
Rụng tóc ở nữ giới và nam giới có những điểm khác nhau căn bản Ảnh: MNT
Giải pháp y khoa
Hiện Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chỉ chấp nhận một loại thuốc chữa trị androgenetic alopecia cho phụ nữ là minoxidil - có công dụng kích hoạt nang tóc. Một loại thuốc khác là finasteride đang được thử nghiệm lâm sàng và bị tranh cãi vì một vài nghiên cứu nêu khả năng finasteride có thể gây biến đổi bào thai ở phụ nữ trong độ tuổi thai sản. Các nhà khoa học cho biết các công ty dược phẩm đang nỗ lực tìm kiếm nhiều loại thuốc trị hoặc ngăn ngừa rụng tóc cho cả phụ nữ và nam giới và nhiều tiến bộ đang được xác nhận. Tháng 8-2014, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine cho thấy làm thế nào một loại thuốc từng được FDA cho phép sử dụng để chữa bệnh hiếm về tủy xương có thể giúp phục hồi mọc tóc ở bệnh nhân bị alopecia areata. Gần đây hơn, tháng 1-2015, nhóm nghiên cứu người Mỹ tại Viện Nghiên cứu Y khoa Sanford-Burham tại bang California tuyên bố họ phát hiện cách tái tạo mọc tóc bằng việc sử dụng tế bào gốc đa năng người.
TS Marc Glashofer thuộc Viện Hàn lâm Da liễu Mỹ nhận định: “Hầu hết những nghiên cứu gây chấn động mới đây về tóc đang xác định rõ hơn cơ sở sinh lý và di truyền của các dạng rụng tóc và điều hiển nhiên là rất có giá trị. Đặc biệt, nghiên cứu sử dụng tế bào gốc có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chữa trị rụng tóc cho cả 2 giới trong tương lai”.
Một số bệnh gây rụng tóc Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý một số bệnh khác có thể gây rụng tóc như thiếu máu, rối loạn tuyến giáp cũng như do việc sử dụng một số loại thuốc. Ngoài ra, tình trạng bị ảnh hưởng tâm lý nặng, cảm xúc tiêu cực, chứng trầm cảm và bệnh tâm lý khác cũng có thể gây rụng tóc mà các nhà khoa học vẫn cho rằng phụ nữ thường là nạn nhân hơn nam giới. |
Trúc Lâm