Cách đây 10 năm, "bệnh lạ" bùng phát ở làng Rêu, xã Ba Điền, từng là nỗi ám ảnh, khiếp sợ của người dân nơi đây, khi số người mắc lên đến gần 300 người và hàng chục người chết... Cho đến bây giờ, "bệnh lạ" đã được chữa khỏi, cuộc sống người dân ở làng Rêu đã thay đổi từng ngày nhưng những gì đã qua với nhiều người vẫn là một nỗi ám ảnh.
Ký ức đau buồn
Chúng tôi đặt chân đến làng Rêu những ngày cuối năm 2023 khi màu xanh của đất trời, màu vàng của cánh đồng lúa trải dài trên con đường bê tông dẫn từ Quốc lộ 24... Làng Rêu hiện ra bình yên, mới lạ với những ngôi nhà xây kiên cố, hiện đại nằm ẩn mình dưới những hàng cau xanh ngát, bạt ngàn.
Ít ai có thể nghĩ, cách đây hơn 10 năm, làng Rêu là nơi khởi nguồn một căn bệnh quái ác với tay chân người mắc bệnh bị nổi dày, phù nề, gây lở loét ở bàn tay, bàn chân… Dù người dân chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh không khỏi.
Nỗi lo lắng, sợ hãi luôn thường trực với người dân nơi đây khi mỗi ngày lại có thêm người mắc bệnh, người chết cũng tăng lên từng ngày. Nhiều người đã bỏ làng đi nơi khác sinh sống.
Theo thống kê của chính quyền địa phương, trong 3 năm 2011 - 2014, toàn xã Ba Điền có gần 300 người mắc bệnh, trong đó có 24 người tử vong, rải đều ở 4 thôn Hy Long, Gò Nghênh, làng Tương và làng Rêu, trong đó làng Rêu là tâm điểm của căn bệnh này.
Dù đã 10 năm kể từ thời điểm "bệnh lạ" bị đẩy lùi nhưng những ký ức đau lòng về căn bệnh quái ác vẫn khiến anh Phạm Văn Đếch, cán bộ văn hóa xã Ba Điền sợ hãi khi nhắc lại. Anh Đếch cho biết thời điểm bệnh bùng phát đã khiến anh mất đi 2 người thân yêu nhất của mình đó là đứa con 3 tuổi cùng người vợ.
Anh nhớ lại, lúc đó khoảng giữa tháng 10-2010 khi đứa con nhỏ 3 tuổi của anh đang khỏe mạnh bỗng chốc tay chân, mặt bị phù lên, lở loét khắp nơi. Ngay sau đó, gia đình đưa cháu xuống Trung tâm Y tế huyện chạy chữa nhưng không thuyên giảm. Ba ngày sau, gia đình đưa cháu ra Đà Nẵng chữa trị nhưng các bác sĩ vẫn không tìm được nguyên nhân gây bệnh. Sau ít hôm thì cháu mất.
Một năm sau, đến lượt vợ anh Đếch cũng có biểu hiện tương tự khi khắp nơi trên cơ thể bị phù nề, lở loét... Gia đình bán trâu, vay mượn tiền bạc đưa vợ anh Đếch vào tận Quy Nhơn rồi ra Đà Nẵng, Huế điều trị nhưng bệnh không giảm. Đến đầu năm 2012 vợ mất. Bản thân anh Đếch cũng bị mắc bệnh nhưng may mắn qua khỏi.
"Không những gia đình tôi, rất nhiều người khác trong làng cũng mắc bệnh. Có người có cả vợ, con, cha hoặc mẹ đều tử vong nên bà con trong làng ai cũng lo sợ. Nhiều người mổ gà, giết trâu cúng Giàng nhưng bệnh không khỏi", anh Đếch nhớ lại.
Vì liên tục ghi nhận trường hợp tử vong và những hội chứng kỳ lạ của "bệnh lạ" đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân và các y bác sĩ đầu ngành trong nước. Ngay sau đó, nhiều đoàn công tác của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã về khảo sát, lấy mẫu nước, thực phẩm… để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Cuối cùng, sau nhiều năm với nỗ lực hết mình của các chuyên gia y tế trong và ngoài nước, căn "bệnh lạ" ấy đã dần được làm sáng tỏ là do một loại độc tố aflatoxin có trong thói quen sử dụng gạo mốc, gạo ủ (lúa chưa được phơi khô) của người dân nơi đây gây ra. Sau khi chính quyền địa phương vận động, cấp gạo trắng thay gạo ủ, gạo mốc, căn bệnh cũng dần được đẩy lùi.
Nhiều đổi thay
Dẫn chúng tôi dạo bước trên cây cầu treo bắc qua suối Nước Nẻ, nối làng Rêu và trung tâm xã Ba Điền, anh Phạm Văn Đếch nói niềm vui lớn nhất của 300 người dân làng Rêu là được chính quyền địa phương xây dựng cây cầu bắc qua suối Nước Nẻ.
"Bao đời nay, làng Rêu bị chia cắt hoàn toàn vào mùa mưa lũ. Khi cầu Nước Nẻ hoàn thành, đưa vào sử dụng (năm 2016), mọi cách trở về địa lý đã được xóa bỏ. Người dân cũng dần thay đổi thói quen, tập tục lạc hậu đã kéo dài bao năm", anh Đếch nói.
Chỉ tay về những căn nhà khang trang được xây 2 tầng kiến cố, anh Đếch cho biết sau 10 năm từ khoảng thời gian bùng phát "bệnh lạ", đến giờ làng Rêu đã đổi thay rất nhiều, đường sá đã được bê tông hóa, dự án cấp nước sạch đưa nước về tận làng, điện sáng từ nhà ra ngõ.
"Thế hệ trẻ của làng lớn lên khỏe mạnh, nhiều em học hết cấp 3, đi học trung cấp, cao đẳng. Bây giờ bà con ốm đau thì đến trạm y tế, không còn giết trâu, mổ gà, mổ lợn để cúng "ma rừng" như xưa nữa. Bà con cũng tập thói quen ăn chín uống sôi, không ăn gạo ủ, gạo mốc như trước mà chuyển sang dùng gạo trắng; lúa thu hoạch xong phơi khô chứ không ủ như trước nữa. Họ cũng dần học cách làm kinh tế, học cách nuôi gia súc, gia cầm một cách khoa học", anh Đếch cho biết.
Ông Phạm Văn Ênh, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền, cho biết làng Rêu có 103 hộ dân với gần 300 nhân khẩu, phần lớn đồng bào dân tộc H'rê. "Sau khi căn bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân được đầy lùi, được sự giúp đỡ của các cấp, ngành, cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi từng ngày. Rất nhiều gia đình như anh Phạm Văn Đếch hay chị Phạm Thị Ửi đã vượt qua nỗi đau, xây dựng cuộc sống mới, biết làm kinh tế, biết chăn nuôi… Nhờ vậy, làng Rêu bây giờ không còn hộ nào thiếu ăn như trước, nhiều gia đình đã xây dựng được nhà cửa khang trang", ông Ênh chia sẻ.