Rối loạn chảy máu và rối loạn đông máu
Tình trạng rối loạn đông máu xảy ra khi các yếu tố đông máu bị thiếu, khiếm khuyết hay bị hư hại hoặc do một số chức năng của tiểu cầu bị tổn thương. Bệnh học đông máu bao gồm những rối loạn về chảy máu (hemorrhagic disorders) và rối loạn đông máu (thrombotic disorders). Trong rối loạn chảy máu, máu không đông đủ nhanh dẫn đến việc mất máu kéo dài, mất máu quá nhiều. Trong rối loạn đông máu, máu đông quá nhanh và hình thành những cục máu đông trong tĩnh mạch và động mạch.
Nguyên nhân
Những rối loạn về máu có thể do di truyền, có thể là hậu quả của những bệnh tật khác hoặc cũng có thể do dược phẩm gây nên. Bệnh di truyền phổ biến là bệnh máu khó đông (haemophilia) và bệnh Von Willebrand (rối loạn xuất huyết do các yếu tố đông máu bị thiếu hoặc hoạt động kém hiệu quả), thiếu vitamin K, ung thư gan, các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan, các loại ung thư di căn tới gan như ung thư ruột, vú và tụy tạng.
Việc sử dụng dược phẩm cũng gây ra bệnh máu khó đông, nhất là các loại kháng sinh và các loại thuốc chống đông máu, các loại thuốc kháng ung thư như thuốc ức chế angiogenesis có tác dụng ngăn chặn sự tăng trưởng và phát triển những mạch máu mới. Những loại dược phẩm quen mặt bao gồm bevacizumab (Avastin) và sorafenib (Nexavar).
Giảm tiểu cầu, tiểu cầu trong máu thấp bất thường do một số bệnh ung thư (bạch cầu và u lympho), hóa trị liệu, chứng thiếu máu và một số bệnh ung thư khác... Tất cả những yếu tố trên đều dẫn tới tình trạng máu khó đông.
Những rối loạn đông máu có nguyên nhân từ: rối loạn yếu tố V Leiden - một gien cần thiết trong việc đông máu. Những người bị khiếm khuyết gien này thường có tần suất bị rối loạn đông máu cao hơn.
Những người thiếu một loại protein gọi là protein C, những người bị thiếu hụt antithrombi III cũng sẽ bị những rối loạn về đông máu. Những loại ung thư biểu mô tuyến (Adenocarcinoma) bao gồm ung thư thực quản và ung thư tử cung cũng gây ra những rối loạn đông máu.
Dược phẩm gây ra rối loạn đông máu bao gồm một số thuốc tránh thai, một số thuốc kháng ung thư như tamoxifen.
Triệu chứng
Những bệnh nhân bị rối loạn xuất huyết có thể gặp những triệu chứng như: một vết đứt da nhỏ cũng gây chảy máu nhiều, những vết bầm tím không do ngoại lực tác động, dưới da xuất hiện nhiều đốm tím hoặc đỏ, thời kỳ kinh nguyệt kéo dài lâu hơn bình thường và xuất huyết nhiều hơn, nôn mửa có máu, phân thải có máu, nước tiểu màu đỏ hồng, chảy máu nướu răng...
Triệu chứng phổ biến của rối loạn đông máu là chứng huyết khối (thrombosis), thường xảy ra ở tĩnh mạch gây suy tĩnh mạch, thấy rõ nhất là những “dây điện” chằng chịt ở chân, đùi... kèm theo đau dữ dội, sưng đỏ. Nghiêm trọng hơn, nếu rối loạn đông máu xảy ra ở phổi gây đau ngực, hơi thở ngắn; xảy ra ở động mạch gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ và làm tổn thương các cơ quan khác.
Chẩn đoán
Rối loạn xuất huyết và rối loạn đông máu có thể được chẩn đoán căn cứ vào tiền sử bệnh, các xét nghiệm huyết học bao gồm CBC, thời gian đông máu, số lượng tiểu cầu, các xét nghiệm về protein của máu...
Trị liệu
Việc trị liệu các rối loạn về đông máu và xuất huyết phải căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh để có hướng trị liệu đúng. Ngoài ra, bệnh nhân bị những rối loạn xuất huyết có thể được tiêm vitamin K; bị rối loạn đông máu có thể được trị liệu bằng warfarin, heparin, aspirin...
Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường