Họ lựu Punicaceae.
Thành phần hóa học cho thấy trong dịch quả lựu chứa axít citric, các đường glucoza, fructoza, mantoza… Vỏ quả và vỏ rễ chứa nhiều tanin, granatin, hoạt chất peletierin, izopeletierin… Theo đông y, vỏ thân, vỏ rễ lựu có vị đắng chát, tính ấm, sát trùng. Vỏ thân rễ dùng làm thuốc tẩy sán, trị lao phổi, viêm phế quản mạn tính ở người già, trẻ em ăn không tiêu, viêm loét trong miệng, có ký sinh trùng đường ruột, trị trĩ…
Tác dụng của lựu không phải bây giờ mới được biết đến. Tại Trung Đông, loại quả này từng được sử dụng trong nhiều thế kỷ như một loại thuốc dân gian nhằm phòng bệnh tim mạch, cao huyết áp, viêm và ung thư tiền liệt tuyến.
Gần đây, các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Úc tại đại học Sydney vừa được công bố trên Tạp chí Pharmaceutical Biology nêu khả năng một số loại quả như lựu có thể làm biến đổi tác dụng khi bệnh nhân dùng thuốc. Ngoài ra, bên cạnh khả năng kháng viêm, vài khảo sát gần đây còn cho thấy lựu có thể chữa được bệnh đái tháo đường.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm khoa học nhận thấy mỗi quả lựu đều chứa tới 3,4% punicalagin. Tiêu thụ loại trái cây này thường xuyên không chỉ mang lại hy vọng ngăn ngừa sự phát triển của Alzheimer mà còn có tác dụng chống tình trạng viêm thần kinh có liên quan đến chứng mất trí, viêm khớp dạng thấp, Parkinson (bệnh mạn tính về hệ thần kinh làm các cơ bị rung, yếu) và ung thư. Một sự trùng hợp tuyệt vời đã xảy ra khi các nhà khoa học thuộc Đại học Huddersfield (Anh) cũng đã phát hiện hợp chất punicalagin trong vỏ quả lựu ngăn chặn nguy cơ tổn hại tế bào não liên quan đến những người mắc bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson.
Alzheimer là bệnh thoái hóa não nguyên phát, căn nguyên chưa rõ ràng, biểu hiện lâm sàng bằng trạng thái mất trí tiến triển, không phục hồi, thường khởi phát ở lứa tuổi trên 65. Hiện chưa có phương thức đặc trị cho chứng bệnh này song punicalagin trong quả lựu được phát hiện có tác dụng ngăn ngừa hoặc ức chế sự phát triển mạnh mẽ của chúng. Alzheimer, Parkinson chưa có phương thuốc điều trị dứt bệnh và bệnh nhân ngày càng cảm thấy tồi tệ hơn nhưng việc phát hiện ra hợp chất mới kể trên có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự phát triển của bệnh.
Hiện nhóm nghiên cứu tại ĐH Sydney đang hợp tác với các nhà hóa học hữu cơ nhằm thực hiện ý tưởng điều chế loại thuốc mới nhằm tận dụng lượng punicalagin dồi dào trong lựu để trị viêm thần kinh.
Bác sĩ Hoàng Xuân Đại