Nhật báo Pháp Le Figaro dẫn lời giới chuyên môn ví von rằng nếu phần lớn những gì diễn ra trên mạng internet là ảo thì hạ tầng vận chuyển dữ liệu là thật. Internet được cấu tạo từ hàng chục ngàn hệ thống sợi cáp quang kết nối nằm trên mặt đất và dưới biển. Ở đa số những nước có hệ thống mạng được thiết kế tốt, nếu có đường truyền nào bị tắc nghẽn hay hư hỏng, dữ liệu có thể được truyền dẫn bằng đường mượn tạm, một lộ trình thứ hai. Khả năng cắt toàn bộ giao thông internet hoặc vô hiệu hóa toàn bộ đường truyền bằng cú ngắt đơn giản là rất thấp và sự bền vững này đã được chứng tỏ trong thời gian qua.
Tuy nhiên, tình hình lại khác ở Triều Tiên, nơi chỉ có 4 đường dẫn internet do Công ty China Unicom của Trung Quốc cung cấp. Theo Công ty Dyn Research (Mỹ) chuyên theo dõi cấu trúc hạ tầng internet, toàn bộ hệ thống mạng của các cơ quan nhà nước, quân đội và truyền thông nước này bị tê liệt trong khoảng hơn 9 giờ liền hôm 22-12-2014. Sự cố tương tự được lặp lại trong vòng hơn nửa giờ vào ngày hôm sau. Nhiều giả thuyết trước câu hỏi: Ai là thủ phạm đánh sập mạng internet Triều Tiên? Báo Pháp La Libération dẫn lời các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng 80% là do đòn trả đũa của Mỹ như lời đe dọa “đáp trả đích đáng” của người đứng đầu Nhà Trắng sau vụ Sony Pictures bị tin tặc tình nghi có nguồn gốc từ Bình Nhưỡng tấn công. Một giả thuyết khác cho rằng Trung Quốc vì lý do nào đó đã cúp mạng internet của Triều Tiên - vấn đề trên thực tế rất dễ xảy ra do chính Trung Quốc là nhà cung cấp duy nhất. Khả năng thứ ba là do sự cố kỹ thuật, theo đó, cũng rất dễ xảy ra do cơ sở hạ tầng còn yếu.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên internet bị mất kết nối hoàn toàn trên diện rộng. Hồi tháng 3-2011, một bà cụ 75 tuổi đã cắt dây cáp để bán phế liệu khiến phần lớn nước Georgia và Armenia bị mất kết nối trong nhiều giờ.