Ai cũng ngưỡng mộ cách thức dạy con của người Nhật Bản, phụ huynh Nhật luôn biết cách để những đứa trẻ sau này thành đạt, cư xử mẫu mực trong cuộc sống. Thế nhưng, dạy con thế nào cho đúng kiểu người Nhật?
Nhà báo Maryanne Murray Buechner của thời báo Time đã có chuyến công tác Nhật Bản kéo dài và bà có một câu chuyện để kể cho rất nhiều phụ huynh về cách người Nhật dạy con. Dưới đây là câu chuyện đó.
Khoảng 1 năm sau khi tôi chuyển tới Tokyo với chồng cùng 2 đứa con trai, một ngày nọ đứa nhỏ 6 tuổi của tôi bỗng dưng biến mất. Không, nhóc không bị bắt cóc hay ngã xuống cống, con tôi chỉ dạo quanh phố khi tôi không để ý. Vì tới từ New York nên sau khi nhận ra con trai không còn ở bên, tôi hoảng loạn, tất nhiên rồi, phụ huynh nào mà không thế chứ.
Sau nỗ lực tìm con, cuối cùng tôi cũng nhìn thấy nhóc đang dạo chơi gần một cửa hàng tiện lợi Sunkus, cậu bé khóc oà. Tôi nhẹ nhàng vỗ về con vì thực tế ở Tokyo, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ tầm tuổi con tôi dạo quanh khắp nơi mà không gặp bất kì nguy hiểm nào.
Đây là thứ đầu tiên tôi học được ở phụ huynh Nhật Bản, thậm chí cả những đứa trẻ nhỏ tuổi nhất cũng được cho phép tự do trong đi lại và chúng có thể đi tới trường một mình mà không cần cha mẹ đi theo. Đúng thế, kể cả khi chúng sử dụng tàu điện, xe bus hay đi bộ trên phố phường, cha mẹ Nhật Bản hoàn toàn tin tưởng con để chúng tự do đi lại.
Mặc dù vậy, điều này thực hiện được là do an ninh ở Tokyo rất tốt, tỷ lệ tội phạm cực thấp và cha mẹ có thể an tâm về con cái, một số người lớn tuổi cũng sẵn sàng giúp đỡ trẻ nhỏ nếu chúng vô tình vấp ngã hay quá mệt khi đi trên đường.
Và trong 5 năm sống tại Tokyo, tôi còn có thêm nhiều bài học nữa về cách dạy con của người Nhật.
Đừng bao giờ kể về con cái
Mô-típ điển hình của phụ nữ trên toàn thế giới là kêu ca với người khác về những gì họ gặp khó khăn, từ chuyện gia đình cho tới nuôi con. Ở Nhật thì khác, phụ nữ Nhật giữ rất kín chuyện này, họ chỉ chia sẻ với những người rất thân hoặc những người họ biết rằng sẽ không tiết lộ ra ngoài.
Lý do ư? Phụ huynh Nhật cạnh tranh nhau khá ghê gớm, họ có rất nhiều áp lực để con sau này vào được đúng trường, hoạt động được đúng những hoạt động chúng thích hay chuẩn bị cho các kì thi. Chính vì thế ít người Nhật nào khoe rằng con mình được vào đội tuyển của trường hay tham gia câu lạc bộ bóng đá... đơn giản nó sẽ là khoe khoang và ảnh hưởng tới người khác.
Gắn kết với con cái mọi lúc mọi nơi nhưng đừng bao giờ ôm con
Ừ thì tại Nhật Bản trẻ em cấp 1 đã tự đi tới trường, thế nhưng phụ huynh luôn tìm cách để gắn kết với con cái khi có thể. Những người mẹ thường mang con đi khắp mọi nơi, từ những chiếc địu hay xe đẩy, họ mang con đi vòng quanh nhà, tới các siêu thị thậm chí đạp xe vòng quanh thành phố.
Ở một số vùng khác, tôi thậm chí còn thấy người bố địu con sau lưng và rồi trượt tuyết khi địu con. Những gắn kết này không khó gặp, thế nhưng phụ huynh Nhật không ôm ấp rồi hôn hít con như phụ huynh nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Đại đa số các hộ gia đình tại đây đều cho con ngủ cùng, bố và mẹ sẽ nằm 2 bên và đứa trẻ nằm giữa. Tôi tin rằng nó đại diện cho biểu tượng sông tại Nhật (川). Chuyện này sẽ kéo dài tới lúc đứa trẻ bắt đầu vào cấp 1, chúng sẽ được cho ra ngủ riêng.
Tiết chế những thể hiện cá nhân
Đây là một điểm rất đẹp của người Nhật, phụ huynh Nhật Bản luôn tập cho con mình thói quen nghĩ tới người khác trước và cư xử đúng mức. Mục đích cuối cùng là để không ảnh hưởng tới người khác và giữ được bầu không khí hoà bình xung quanh mình.
Chính vì lý do đó, trẻ em Nhật Bản rất điềm tĩnh và cư xử đúng mực trong khi 2 đứa con của tôi thì có phần nghịch ngợm, phá phách, chúng thậm chí nhiều lần chen hàng với người già trong khi trẻ em Nhật lặng lẽ đứng xếp hàng chờ tới lượt.
Cuộc đua bữa trưa
Phụ nữ Nhật Bản rất quan trọng tới hộp cơm bento cho con mình. Họ rất rất sớm để chuẩn bị các món ăn bổ dưỡng và rồi trang trí chúng thật đẹp mắt. Một hộp cơm tiêu chuẩn sẽ có cá, rau củ, đậu phụ, rong biển và cơm được nặn thành hình các con thú ngộ nghĩnh. Chỉ cần thiếu một thứ trong danh sách trên, giáo viên sẽ lập tức phàn nàn với gia đình.
Đừng lo thứ gì phù hợp hay không với lứa tuổi của trẻ nhỏ
Ở Tokyo chẳng có ai khó chịu khi đoạn giới thiệu một bộ phim kinh dị xuất hiện trước một phim hoạt hình. Những loại đồ chơi hình vũ khí xuất hiện nhan nhản trong các cừa hàng đồ chơi và có nhiều hình ảnh gợi cảm trong các cuốn truyện tranh mà trẻ nhỏ hay đọc. Mặc dù vậy, trong những thứ trên luôn có các hình ảnh ngộ nghĩnh đậm phong cách kawaii xuất hiện để cân bằng mọi thứ.
Hoa là một yếu tố rất quan trọng
Đi picnic khi hoa đào nở là một văn hoá của người Nhật. Khi đứa trẻ lần đầu được tới xem hoa đào, người Nhật gọi đó là hanami và nó thường là một buổi đi picnic kết hợp chụp ảnh. Những công viên được thiết kế khá chật nên hoạt động của trẻ nhỏ phải được kiểm soát khá chặt chẽ.
Chuyện cổ tích càng quan trọng hơn
Việc kể cho con những câu chuyện cổ tích là điều rất quan trọng ở Nhật Bản. Trong câu chuyện này sẽ là những nhân vật trong truyền thuyết như yêu tinh mũi dài Tengu Matsuri, Setsubun hay Daruma... Nó giúp cho trẻ sống đúng với tuổi của mình và thấm nhuần văn hoá quê hương Nhật Bản.