xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu": Miệt mài làm "người đưa đò"

Bài và ảnh: Trần Hữu Phước

Thầy trò chúng tôi luôn chờ đợi những đêm trăng. Ánh trăng giữa rừng đẹp diệu kỳ. Thầy ngồi bên cửa sổ soạn bài. Học trò vượt những quãng đường đầy lau lách về sân trường cùng vui chơi...

Ba mươi năm qua, tôi vẫn trân trọng giữ gìn tập thơ ấy - tập thơ có bài "Đêm trăng ở vùng đồi", là tác phẩm đầu tiên của tôi viết về người thầy kính yêu. Bài thơ này và cả tập thơ là kỷ niệm dạt dào yêu thương của các thầy cô giáo với học trò ở miền núi, vùng cao.

Ai cũng áo vá, chân đất

Trong ngôi nhà tập thể lợp tranh, phên nứa đơn sơ trên vùng đồi vắng, hằng đêm chỉ có ngọn đèn dầu leo lét. Đó là nơi ở để dạy học của thầy Dũng, thầy Hùng… tại quê hương tôi - xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vào những năm tháng đất nước vừa thống nhất.

Cuộc thi viết Người Thầy kính yêu: Miệt mài làm người đưa đò - Ảnh 1.

Họp mặt các cựu học sinh là đồng môn của tác giả

Rừng đêm tối mịt, tiếng chim cú não nề. Không gian vắng lặng cả một vùng, đến nỗi nghe rõ tiếng suối chảy xa xa và cả tiếng lá rừng xào xạc.

Thầy trò chúng tôi luôn chờ đợi những đêm trăng. Ánh trăng giữa rừng đẹp diệu kỳ. Các thầy ngồi bên cửa sổ soạn bài. Dưới ánh trăng, học trò vượt qua những quãng đường đầy lau lách, tập trung về sân trường cùng chơi trò trốn tìm, u u… Rồi các thầy sẽ kể những câu chuyện, đọc những bài thơ đầy cảm xúc để trí tuệ, tâm hồn non nớt, hoang sơ của chúng tôi ngày ấy phát triển dần theo năm tháng.

Cuộc thi viết Người Thầy kính yêu: Miệt mài làm người đưa đò - Ảnh 2.

Bài thơ đầu tiên trong đời tác giả Trần Hữu Phước viết về thầy cô giáo

Ai đã từng sống ở miền núi, vùng cao vào thời kỳ chưa có đường, chưa có điện mới thấy ánh trăng quý giá nhường nào; mới thấy khoảnh sân trường nho nhỏ mà thầy trò, phụ huynh cùng san lấp hố bom đạn sau chiến tranh ý nghĩa ra sao.

Cứ đến cuối tháng 8, thầy Dũng, thầy Hùng lại từ Đà Nẵng đi xe đò đến huyện Tiên Phước rồi tiếp tục khoác balô, vượt đèo, lội suối về dạy học tại ngôi trường quê tôi. Balô của các thầy chất đầy sách vở, tài liệu, chỉ chừa chỗ cho vài bộ quần áo. Thầy Dũng quanh năm chỉ có mỗi chiếc quần bạc màu. Bữa cơm thường ngày nơi khu tập thể giáo viên độn nhiều khoai sắn, ăn cùng mắm cái, canh rau tàu bay, rau má.

Học trò trong lớp học của tôi gồm nhiều lứa tuổi. Có bạn đã biết đọc, biết viết. Có bạn lớn hơn tôi đến 10 tuổi do sau chiến tranh mới được đi học. Ai cũng áo vá, chân đất, sang hơn một chút thì có đôi dép lốp cao su. Điểm giống nhau là đứa nào cũng lấm lem bùn đất khi đến lớp và rất thèm được nghe thầy kể chuyện, đọc thơ.

"Em cứ kiên trì, sẽ có con đường mở ra"

Ngày ấy, sách quý và hiếm lắm. Vào năm học mới cả tháng, trường mới nhận được tin báo về phòng giáo dục của huyện để nhận sách giáo khoa. Học sinh lớn thì đi theo thầy cõng sách; từ sáng sớm đến tối mịt mới cõng được sách về tới trường. Chỉ có sách giáo khoa nhà trường cho mượn, học trò luân chuyển với nhau cùng học chứ sách tham khảo hay sách truyện thì hầu như không có.

Những lần nghỉ hè về thành phố, khi trở lại trường dạy học, thầy Dũng và thầy Hùng lại dành dụm tiền mua cho chúng tôi vài cuốn truyện. Chúng tôi chuyền nhau đọc đến sờn cả bìa. Tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài chúng tôi được đọc vào năm cuối cấp I. Năm cấp II, thầy lại mua cho chúng tôi những tác phẩm như "Dấu chân người lính" của Nguyễn Minh Châu, "Nắng đồng bằng" của Chu Lai, "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Nga Nikolai A.Ostrovsky…

Năm tôi học lớp 7, một buổi chiều có mưa to. Tôi nấn ná ở lại trường chờ ngớt mưa, nước suối rút để lội qua được mà về nhà. Thầy Hùng trao cho tôi cuốn sổ tay, nói: "Em cầm về đọc, có mấy bài thơ hay".

Đêm đó, bên ngọn đèn dầu, tôi đọc say sưa những bài thơ thầy tự tay chép lại: "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật, "Lý ngựa ô ở hai vùng đất" của Ngọc Cảnh, "Nhớ con sông quê hương" của Tế Hanh…

Khi chúng tôi học hết cấp I, trường xã tôi mới mở dần cấp II. Lúc này, lớp 6, lớp 7… mỗi năm chỉ một lớp. Thầy cô được học bồi dưỡng cấp tốc chuyên môn dạy cả cấp I, II.

Năm 1978 - 1979, tin tức về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc liên tục truyền về quê tôi qua radio, qua lời kể của thầy cô. Trong trường, nhiều anh chưa học xong cấp II đã xung phong đi bộ đội. Nhiều chị vì lớn tuổi, vì hoàn cảnh gia đình phải bỏ học giữa chừng.

Tôi tốt nghiệp cấp II rồi thi đậu vào lớp 10 trường huyện. Khi năm học mới sắp đến, tôi phải nghỉ. Không thể đi học nữa, tôi buồn lắm! Đêm trăng, tôi lang thang trên con đường mòn - lối đi quen thuộc đưa đến ngôi trường thân thương.

Đêm ấy trăng sáng lắm. Trong căn nhà tập thể giáo viên bên sân trường vẫn có ánh đèn. Từ xa, tôi đã nhận ra dáng người mảnh khảnh của thầy Dũng ngồi sau ô cửa sổ. Tôi tiến lại chào thầy: "Em chào thầy ạ!". "Em chưa lên huyện tựu trường à?" - thầy ân cần hỏi lại tôi. "Em nghỉ học thầy ơi!" - tôi lí nhí trả lời.

Chẳng cần hỏi lại, thầy cũng biết vì sao tôi bỏ học. Lúc đó, ở nhà thì tôi còn có khoai sắn, có rau rừng; lên trường huyện học, ăn ở… biết làm sao?

Thầy bảo tôi vào phòng. Sau một lúc nghĩ ngợi, thầy nói: "Hôm ở huyện lên đây, thầy thấy hợp tác xã lâm sản để bảng thu mua mây, đót để làm chổi đót xuất khẩu. Mấy thầy cô trên huyện đang nhận đót của hợp tác xã về gia công chổi để cải thiện thêm. Núi rừng quê em mây, đót mọc nhiều, em thử làm được không. Em cứ kiên trì, thầy tin sẽ có con đường mở ra. Ngày xưa chưa có đường, con người mở lối mà đi, lâu dần thành đường mòn, rồi đường lớn".

Quyết đi học cho bằng được

Những lời động viên, hướng dẫn của thầy Dũng bỗng gợi mở cho tôi quyết tâm phải đi học cho bằng được.

Tôi chuẩn bị cho việc đi học lớp 10 bằng cách vào rừng bứt mây, khoanh tròn rồi bó lại, cõng lên huyện bán. Thật bất ngờ, với hơn 20 kg mây lần đầu đi bán, tôi mua 3 kg gạo mà vẫn còn dư một ít tiền. Con đường đi học trường huyện của tôi có thêm một hướng mở ra.

Một thời gian nữa, tôi xa nhà, ở trọ đi học. Ở trường huyện Tiên Phước có thầy Nguyễn Quốc Thịnh, cô Trần Thị Lưỡng, thầy Nam, cô Yến, cô Hà quê miền Bắc, cô Lương Thị Xuân Hương ở Huế… về dạy học. Một số thầy cô nay tôi đã không còn nhớ đầy đủ họ tên.

Ngày tháng gian khổ vẫn chưa qua, các thầy cô vẫn phải ở trong nhà tập thể mái tranh, phên đất. Sau những cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đất nước lúc đó rất khó khăn. Suất gạo hằng tháng của mỗi thầy cô từ 12 kg giảm còn 9 kg và cấp bù 3 kg sắn khô. Tiền lương ít mà hàng hóa cứ tăng giá chóng mặt.

Trong căn nhà tập thể của giáo viên, ngoài tài liệu, giáo án còn chất đầy mây, đót. Ngày nghỉ, trò đi bán đót ở hợp tác xã, đôi khi gặp thầy cô đi nhập chổi. Những đêm trăng khuya trên vùng đồi, sau khi chấm bài, soạn giáo án, thầy cô lại phải trăn trở với chuyện áo, cơm.

Những năm tháng dài khó khăn ở miền núi như thế nhưng thầy cô vẫn bám trường, bám lớp dạy học. Năm 1989, sau quãng đời sinh viên ra trường, tôi về quê nhận công tác tại phòng văn hóa - thể thao của huyện. Tôi rất xúc động khi biết tin thầy Dũng, thầy Hùng tiếp tục xung phong lên dạy học ở vùng cao - nơi đang rất thiếu giáo viên. Thầy Thịnh, thầy Nam, thầy Thức, thầy Khánh, cô Hương, cô Yến, cô Lưỡng, cô Hà… thì vẫn miệt mài làm "người đưa đò" ở trường cũ.

Thầy cô vẫn lặng lẽ một đời ở lại quê tôi. 

Khúc tâm tình yêu thương

Nhớ thầy cô, nhớ những đêm trăng thời đi học, tôi bồi hồi viết: "Trăng vùng đồi mùa thu/ Soi vào cửa sổ/ Soi nghiêng trang vở/ Soi rõ bóng người đang thức cùng trăng/ Trăng vùng đồi mùa đông/ Khuất sau làn mây xám/ Khuất sau làn sương mù/ Trăng đã ngủ sao người còn thao thức/ Và những đêm xuân trăng rạo rực/ Người với trăng trăn trở cuộc đời/ Người đã đến vùng đồi từ năm trước/ Thắp lên ngọn đèn soi sáng cùng trăng/ Người cô đơn trong một căn phòng/ Trăng lạnh lẽo bầu trời thăm thẳm/ Người bận bịu bên từng trang giáo án/ Trăng mãi soi đèn cho lũ trẻ đùa vui/ Đêm vùng đồi đâu chỉ ánh trăng thôi/ Còn có những ngọn đèn đang sáng nữa/ Để những đêm hè khi tìm vào khung cửa/ Chẳng thấy người, trăng lại nhớ mùa thu".

5-H1

Tập thơ về thầy cô giáo được tác giả bài viết trân trọng giữ gìn 30 năm qua

Năm 1992, bài thơ này được in trong tuyển tập "Khúc tâm tình yêu thương" do ngành giáo dục - đào tạo huyện Tiên Phước phối hợp với Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng xuất bản. Đó là "khúc tâm tình yêu thương" về những thầy cô giáo kính yêu đã dành cho miền núi, vùng cao một thời không thể nào quên.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Cuộc thi viết Người Thầy kính yêu: Miệt mài làm người đưa đò - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo