Phát hành game không phép, thách thức cơ quan quản lý
KoramGame được xem là công ty game Trung Quốc “ngang nhiên” thách thức cơ quan quản lý tại Việt Nam nhiều nhất. Đây là nhà phát hành game từng bị Thanh tra Bộ TT&TT ra văn bản yêu cầu các ISP chặn các game của họ, đồng thời cơ quan chức năng cũng tiến hành thanh tra kiểm tra các cổng game như myw.vn, gaubay.com do họ cung cấp… nhưng đến thời điểm hiện tại, game của nhà phát hành này vẫn ngang nhiên phát hành tại Việt Nam.
Hiệp Khách Tam Quốc và nhiều game của KoramGame vẫn đang hoạt động trong nước
Cụ thể, game Hiệp Khách Tam Quốc vẫn hoạt động tại địa chỉ hiepkhachtamquoc.com, Tiếu Ngạo Tây Du vẫn hoạt động tại địa chỉ tntaydu.com, Hoa Sơn Luận Kiếm vẫn tồn tại ở địa chỉ hoasonluankiem.com, Vùng Đất Thủ Lĩnh Rồng vẫn hoạt động tại địa chỉ vdtlr.com và đặc biệt game Demonslayer còn lấy cả tên miền .vn để phát hành trong nước.
Đáng chú ý, bên cạnh webgame, công ty đến từ Trung Quốc này cũng đã chuyển sang phát hành cả game trực tuyến trên di động tại Việt Nam với sản phẩm game Mộng Hiệp Khách.
Game Rồng Tam Quốc của Lemon Game
Theo các nguồn tin ICTnews nắm được, sau khi bị các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra gay gắt, KoramGame chỉ tạm đóng các cổng game myw.vn và gaubay.com, tuy nhiên họ vẫn đẩy mạnh hoạt động quảng bá game ở các cổng game này trên Fanpage của Facebook. Đồng thời, hiện KoramGame cũng cho các nhân viên của mình làm việc ở nhà, chứ không còn thuê văn phòng như trước đây.
Game Trảm Tiên của Lemon Game
Một công ty khác của Trung Quốc cũng đang phát hành rất nhiều game tại Việt Nam là Lemon Game, với hàng loạt game đình đám như game Wartune tại địa chỉ wartunevn.com, Trảm Tiên tại địa chỉ tramtien.com, hay Rồng Tam Quốc tại địa chỉ rongtamquoc.com. Bên cạnh đó, công ty này cũng vừa cung cấp thêm 2 game mobile tại thị trường Việt Nam là Qtien và Pocket Empire.
Tại Việt Nam, Lemon Game thành lập một công ty là AFOO người đại diện pháp luật là Yang Zhuo, có trụ sở tại Tân Bình, TP.HCM, công ty này đăng ký hoạt động chuyên về lập trình máy tính, tuy nhiên thực tế là để truyền thông, marketing cho các game của Lemon tại thị trường trong nước…
Quảng cáo phản cảm, trốn thuế và nhiều hệ lụy
Bên cạnh phát hành game không phép, các công ty game đến từ Trung Quốc cũng đưa ra nhiều hình thức quảng bá theo kiểu cạnh tranh không lành mạnh đối với các nhà phát hành khác ở thị trường Việt Nam. Cụ thể họ tiến hành mua từ khóa game của các công ty trong nước trên Google, để khi người dùng tìm kiếm sẽ ra game của họ thay vì game các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt là các doanh nghiệp này thường dùng những hình ảnh “sex”, “phản cảm”…để câu kéo và “dụ dỗ” người chơi tham gia vào game. Điều đáng nói là những hình ảnh quảng cáo này còn được một vài trang tin game trong nước đưa lên trang của mình.
Quảng cáo phản cảm game Rồng Tam Quốc của Lemon Game
Bên cạnh đó, với việc phát hành game không phép và không có trụ sở và đại diện chính thức tại Việt Nam, các doanh nghiệp này cũng gây ra thiệt hại về Thuế rất lớn cho Nhà nước.
Theo những nguồn tin ICTnews tổng hợp được, doanh thu của tất cả các game mà Koram Game đang phát hành trong nước có thời điểm lên tới khoảng hơn 30 tỉ đồng/tháng và doanh thu của Lemon Game cũng có con số khoảng hơn 15 tỉ đồng/tháng. Với doanh thu cao như thế nhưng các doanh nghiệp này không tiến hành đóng các khoản thuế nào ở trong nước như, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhà thầu, thuế giá trị gia tăng…
Một điều đáng nói nữa, do phát hành không phép nên các game này không được kiểm duyệt nội dung ở Việt Nam, do đó các công ty đến từ Trung Quốc này rất dễ “lồng ghép” các yếu tố có vấn đề về chính trị vào các game của mình, để gây ra nhận thức “lệch lạc” cho người chơi Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Đây là một điều hoàn toàn có thể xảy ra, bởi tại Việt Nam, thậm chí game phát hành có bản quyền của một công ty lớn trong nước cũng từng xuất hiện đường “lưỡi bò” trong đó và khiến công ty này phải đóng cửa game của mình. Ngoài ra, việc “lồng ghép” chính trị vào game cũng đã từng được thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc có các bài viết cổ vũ các doanh nghiệp của nước này thực hiện.
Với những việc làm trên, có thể nói các doanh nghiệp game đến từ Trung Quốc này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp đang làm game chân chính trong nước, từ chuyện cạnh tranh không lành mạnh, hay thị trường bị tàn phá bởi những chiêu truyền thông, marketing phản cảm, cũng như các yếu tố liên quan chính trị gây ra các hệ lụy nghiêm trọng…