Gamer Việt Nam
Thị trường game giải trí thâm nhập Việt Nam những năm 1980-1990. Trẻ em vào lúc đó đã biết đến máy chơi game console như NES hay SNES. Đến khi công nghệ thông tin bùng nổ thì game giải trí hiện hữu khắp nơi, nhất là ở các quán internet.
Đi cùng đó là mối lo âu của các bậc cha mẹ. Họ bối rối mỗi lần có các tin xấu về tác hại của trò chơi điện tử. Ngày nay, chuyện đó vẫn xảy ra nhưng điều khác biệt là ở chỗ những cô cậu khi xưa mê mẩn game giải trí nay đã trưởng thành, thậm chí làm cha mẹ, cũng ham thích game, biết chia sẻ hơn.
Thế hệ gamer trưởng thành ở Việt Nam đã đủ khả năng cảm thụ game hơn giá trị giải trí của nó. Đó là khả năng phát triển tư duy, phản xạ trực quan, giúp làm quen với các thiết bị máy tính và nhất là cảm thụ game như một loại hình nghệ thuật. Sự phổ biến của các thiết bị di động như smartphone và tablet lại càng giúp đưa văn hóa game đến với mọi người.
Tuy nhiên, bên cạnh quá nhiều định kiến xấu và những điều phức tạp khác, cộng với nạn sao chép lậu tràn lan, thị trường Việt Nam vẫn chưa được chú ý đến bởi các hãng phát hành game (trừ các game online). Ngành phát triển game Việt Nam vì thế rất khó tạo được thương hiệu, tuy chúng ta không thiếu tài năng và công nghệ.
Đa dạng game giải trí
Ngân hàng đầu tư Digi-Capital ước tính game di động có thể đẩy doanh thu của cả ngành game giải trí lên mức 100 tỉ USD vào năm 2017. |
Các thể loại này lại có sự pha trộn lẫn nhau cùng các biến thể khi chúng xuất hiện trên các thiết bị khác nhau. Đặc biệt, chúng có thể đi kèm với phong cách của từng trung tâm phát triển game trên thế giới. Ví dụ tại Mỹ và châu Âu, game được phát triển có thiên hướng hành động hơn; còn tại Nhật Bản, game chú trọng cốt truyện, cách chơi độc đáo và gu thẩm mỹ của manga/anime.
Ngày nay, có thể chia ra rõ ràng 3 nền tảng thiết bị chơi game chủ yếu: Máy tính (gồm cả game nền web), máy chơi game console dành cho TV, các loại máy chơi game di động (bao gồm cả smartphone và tablet). Cuộc cạnh tranh giữa 3 dòng máy chơi game console là Microsoft Xbox, Sony Playstation và Nintendo Wii là câu chuyện tốn nhiều giấy mực. Trên nền máy tính thì các “gã khổng lồ” cạnh tranh lẫn nhau bằng cách tạo ra các dòng game được ưa chuộng, kéo dài qua nhiều thế hệ. Đơn cử có Activision Blizzard, kẻ sở hữu 3 thương hiệu lớn là Warcraft (game chiến thuật và game trực tuyến), Starcraft (chiến thuật) và Diablo.
Hãng phát hành game EA thì chuyên mua lại các studio sản xuất game và chuyển nó thành các “con heo đất” của mình. Valve lại đang thống trị thị trường phân phối game qua mạng với hệ thống cửa hàng trực tuyến Steam và sở hữu rất nhiều tựa game lớn như Half-life và Dota 2.
Tại Hàn Quốc, nơi được mệnh danh là “thánh địa” của e-Sport, các game thi đấu chuyên nghiệp được hâm mộ cuồng nhiệt. League of legends, Counter-strike, Dota 2 ngày càng biến thành những trào lưu văn hóa mạnh mẽ không kém gì các môn thể thao thực thụ. Hàn Quốc và Trung Quốc cũng là 2 quốc gia nổi tiếng với những “lò” khổng lồ sản xuất game trực tuyến có số lượng và chất lượng rất đa dạng. Các tựa game trực tuyến của 2 nước này đã nhanh chóng tràn ngập thị trường Việt Nam trong mấy năm qua.
Dĩ nhiên, cũng không thể không nhắc đến ngành game di động. Hiện tại, cả Sony lẫn Nintendo đều sở hữu 2 dòng máy game di động khá thành công nhưng tâm điểm của ngành này lại đến từ các sản phẩm smartphone và tablet. Thành công to lớn của game giải trí trên iPhone từng buộc Apple phải thay đổi trọng tâm, chú trọng hơn phục vụ cho game thủ trên các thiết bị di động. Việc sở hữu một smartphone trở nên vô cùng phổ biến nhờ có Apple iOS và Google Android đã giúp game giải trí có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn bao giờ hết.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, game giải trí sẽ được chấp nhận rộng rãi hơn ở nước ta. Thành công của Flappy Bird từ Nguyễn Hà Đông hy vọng tạo đà cho công nghệ game, đặc biệt là ngành lập trình game di động, để có nhiều tựa game “Made in Vietnam” hơn…